Tủa Chùa - Điện Biên: Ai "chống lưng" cho việc khai thác đá trái phép?

24/04/2016 00:00

(TN&MT) - Tại Km số 9, đường liên xã Mường Báng - Xá Nhè thuộc thôn Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; cách trung tâm huyện chưa đầy 9km....

 

(TN&MT) - Tại Km số 9, đường liên xã Mường Báng - Xá Nhè thuộc thôn Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; cách trung tâm huyện chưa đầy 9km. Nhưng không hiểu sao việc khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm lại không có bất cứ động thái nào cho thấy sự vào cuộc của UBND huyện Tủa Chùa?.

Ngày 20/4, tại buổi kiểm tra của Tổ công tác liên ngành, tỉnh Điện Biên (do bà Đặng Hồng Loan, Phó trưởng phòng Khoáng sản, nước, Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên làm tổ trưởng), ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND, huyện Tủa Chùa, lý giải: Việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng trái phép tại điểm mỏ Pằng Dề B, xã Xá Nhè là do cá nhân bà Bùi Thị Tấm khai thác và chế biến không liên quan đến Cty TNHH Hoàng Ánh (gọi tắt là Cty Hoàng Ánh). Còn việc khai thác cát, sỏi trái phép chỉ diễn ra vào mùa mưa tại các khe suối trữ lượng nhỏ, không thành mỏ với quy mô hộ gia đình. Các doanh nghiệp đã thu gom thu mua của các hộ này để làm vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn huyện.

Tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra khu vực mỏ. Toàn bộ hoạt động khai thác đã tạm dừng, hiện trạng vẫn còn 1 giàn nghiền đá. Trên bãi tập kết có khoảng 2.000m3 đá hộc, bãi khai thác có nhiều lỗ khoan và có 3 vỏ bao bì hoá chất nhãn hiệu SINO CRACK loại 20kg/hộp (không còn hoá chất) do Trung Quốc sản xuất, được Cty CPTM Đại Nam có trụ sở tại Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội độc quyền phân phối.

Phía khu vực khai thác đối diện thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã khai thác trái phép với khối lượng đá hộc khoảng 800m3; khối lượng đá mạt đã chế biến tại bãi chứa có khối lượng ước khoảng 500m3.

Mỏ đá khai thác trái phép của bà Bùi Thị Tấm, tại km9, đường liên xã Mường Báng - Xá Nhè, huyện Tủa Chùa
Mỏ đá khai thác trái phép của bà Bùi Thị Tấm, tại km9, đường liên xã Mường Báng - Xá Nhè, huyện Tủa Chùa

Cũng tại buổi làm việc với Tổ kiểm tra liên ngành, tỉnh Điện Biên, bà Bùi Thị Tấm, cho biết: Bà đã làm đơn đề nghị UBND xã Xá Nhè cho thu gom đá trên nương của hộ gia đình ngày 2/10/2015 và được sự nhất trí của UBND xã Xá Nhè do ông Giàng A Páo, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè ký. Cũng theo bà, sau khi được UBND xã Xá Nhè chấp thuận bà đã thuê máy móc, thiết bị của Cty Hoàng Ánh để khai thác, tại khu vực nêu trên.

Việc bà Bùi Thị Tấm khai thác đá trái phép đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, bà Tấm là một người phụ nữ 48 tuổi, trong hoàn cảnh rất đặc biệt “tay không bắt giặc”; không máy móc, không thiết bị... Đơn phương đứng ra thừa nhận hành vi sai trái và một mực nói không liên quan gì đến Cty Hoàng Ánh, đã khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn: Có hay không việc "chống lưng" cho hành vi đánh cắp khoáng sản của bà Tấm trong suốt thời gian qua? Khoảng cách địa lý từ trung tâm huyện Tủa Chùa đến mỏ đá 9km không phải quá xa. Chắc hẳn người ta phải tính đến chuyện làm ngơ hoặc đổ thừa cấp dưới hoặc biến tướng bằng chiêu bài vẫn thường gặp “tận thu khoáng sản”.

Ngoài việc bà Bùi Thị Tấm, khai thác đá trái phép ngay trước mặt chính quyền thì còn thực hiện hành vi chuyển nhượng đất rừng phòng hộ tại Tiểu khu 561C, khoảnh 4, lô 1b, diện tích 1,682ha, trạng thái IIa để mở rộng lãnh địa khai thác đá. 

Được biết, khu vực này đã được UBND huyện Tủa Chùa giao cho cộng đồng dân cư thôn Sín Sủ 2 quản lý, tại Quyết định số 2756/QĐ-UBND, ngày 6/11/2015 của UBND huyện Tủa Chùa. Không những thế, tại bãi chứa của bà Bùi Thị Tấm còn có 100m3 cát và 1 máy xúc tại bản Huổi Hỏm, thôn Pú Uôn, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa. Theo lời khai của bà Tấm thì số lượng cát trên do bà thu mua của các hộ dân sống khu vực gần đó.

Trở lại lời khẳng định ban đầu của ông Vừ A Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì việc khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện chỉ diễn ra vào mùa mưa với trữ lượng nhỏ. Lời nói của ông Hùng dường như mâu thuẫn với những gì Tổ kiểm tra liên ngành ghi nhận tại bãi chứa cát của bà Tấm; khối lượng cát lên đến cả trăm khối. Trong khi đó, tại thời điểm này đang là mùa khô; mùa mưa vùng cao bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc giữa tháng 10.

Như vậy, với một cá nhân còn dám chuyển nhượng cả đất rừng phòng hộ để khai thác đá trái phép thì liệu có bàng quan trước "món hời" từ việc khai thác cát lậu hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

                                                                                                       Bài & ảnh: Trần Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủa Chùa - Điện Biên: Ai "chống lưng" cho việc khai thác đá trái phép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO