Từ vụ 3 bảo vệ rừng bị bắn chết: Nóng chuyện lấn chiếm đất rừng

05/11/2016 00:00

Xoay quanh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai trong các nông lâm trường cũng như tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất và giải pháp nào giải quyết những bất cập này, NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Khắc Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NNPTNT).

Vụ xả súng do tranh chấp đất rừng tại Tuy Đức (Đăk Nông) khiến 3 người chết và 16 người bị thương cho thấy sự phức tạp, nóng bỏng của câu chuyện đất rừng. Nhìn nhận, đánh giá của ông qua sự việc này thế nào?

- Vụ việc này xảy ra đúng ở khu vực nóng bỏng nhất cả nước về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai. Tây Nguyên có những khu vực có chồng lấn dân cư sở tại, di dân kinh tế, di dân tự phát nên có những chồng chéo trong việc sử dụng đất, từ đó xảy ra tình trạng tranh chấp lấn chiếm. Vấn đề tranh chấp đất đai lại càng nóng bỏng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán xảy ra thường xuyên, đất đai khô cằn, bởi vậy đất có màu mỡ đem lại hiệu quả cao cho cây trồng lại càng hiếm.

Người dân cần có đất ở, đất sản xuất canh tác, chính quyền địa phương có áp lực phải phát triển kinh tế. Đây là những áp lực không hề nhỏ khiến tình trạng tranh chấp lấn chiếm, vi phạm phạm luật về sử dụng đất đai kéo dài.

Trong quá trình hoạt động, cán bộ quản lý các nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, yếu kém để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật. Ảnh: IT
Trong quá trình hoạt động, cán bộ quản lý các nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, yếu kém để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật. Ảnh: IT

Trong báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT có cho rằng, để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất rừng là do hạn chế yếu kém, buông lỏng quản lý của cán bộ các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp. Vậy theo nhìn nhận của ông, tình trạng này có phổ biến?

- Để xảy ra tranh chấp lấn chiếm đúng là do hạn chế yếu kém từ cán bộ các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp. Trong hơn 2,38 triệu ha diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp quản lý sử dụng trước khi sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp thì có tới 149.087,83ha đang tranh chấp lấn chiếm. Tình trạng này đến nay vẫn chưa khắc phục được, việc quản lý, sử dụng đất đai diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn, những vi phạm chính sách và pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức khác nhau chưa được xử lý dứt điểm.

Vậy cần làm gì để giải quyết triệt để tình trạng này?

- Quản lý đất đai là công việc khó khăn, nhưng chính vì khó khăn nên chúng ta phải làm tốt. Cá nhân tôi thấy hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại hình thức phạt cho tồn tại, không chỉ đối với đất nông lâm trường, đất địa phương, đất nông nghiệp mà cả đất đô thị cũng tồn tại hình thức này.

Chỉ có Việt Nam mới có hình thức phạt cho tồn tại khi bị lấn chiếm. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới một số đối tượng lợi dụng việc các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp được nhà nước giao đất nhưng chưa sử dụng để ngang nhiên lấn chiếm đất và trồng cây, sau đó yêu cầu nông lâm trường phải bồi thường. Chính quyền sở tại biết tình trạng này và xử lý các phần tử này bằng cách phạt hành chính nhưng vẫn cho tồn tại bởi dự án đó, đất đó vẫn chưa được nông lâm trường, công ty lâm nghiệp chưa triển khai.

Để chấn chỉnh việc quản lý sử dụng đất một cách triệt để, theo tôi đầu tiên chúng ta cần xóa ngay tình trạng phạt cho tồn tại sau đó xuê xoa đồng ý với nhau. Chúng ta phải làm cương quyết mang tính răn đe để đảm bảo lợi ích nhà đầu tư. Khi đất đã quy hoạch thì không ai được xâm phạm sử dụng, nếu sử dụng trồng cây sẽ bị thu trắng, không có chuyện bồi thường.

Theo ông để giải quyết ổn thỏa đất cho người dân đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng đất của nông lâm trường, các bộ ngành và địa phương cần có những giải pháp, hành động cụ thể nào?

- Đó cũng là những vấn đề trăn trở của Đảng, Nhà nước. Trung ương nhìn thấy điều đó nên mới cho ra đời Nghị quyết 30, Nghị định 118 để hướng dẫn thực hiện sắp xếp nông lâm trường, và các công ty lâm nghiệp. Đồng thời giải quyết bài toán bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường rừng và giải quyết đất sản xuất cho người dân.

Đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng chuyển về cho Ban quản lý rừng, đối với vùng đất tranh chấp lấn chiếm trả về địa phương tạo ra quỹ đất để giao lại cho bà con có đất sản xuất, số diện tích này cũng rất lớn, gần 500.000 ha. Chúng ta cũng đang tiến hành sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn, sử dụng đất rừng hiêu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ở một số địa phương cũng có chuyện những người có quyền có tiền đầu cơ đất đai theo cách dùng quyền lực, dùng quan hệ để lập dự án, chia tách dự án thiếu minh bạch. Việc tập trung dự án đầu cơ đất đai không được vận hành theo cơ chế thị trường mà làm theo kiểu này dẫn tới bùng phát mâu thuẫn”.

Ông Bùi Khắc Hiền

Theo Dân Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ 3 bảo vệ rừng bị bắn chết: Nóng chuyện lấn chiếm đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO