Truyền thông về biến đổi khí hậu: Còn xa so với mục tiêu

06/11/2014 00:00

(TN&MT) - Trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về BĐKH...

(TN&MT) - Trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về BĐKH được coi là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu đến năm 2015 có trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức Nhà nước có hiểu biết cơ bản về BĐKH và các tác động của nó. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chương trình, đến nay, mục tiêu ấy còn khá xa vời.
   
Khó và phức tạp
   
  Để có hiểu biết cơ bản về BĐKH và tác động của nó đến mọi mặt đời sống quả thật là vấn đề  khó khăn ngay cả đối với công nhân viên chức Nhà nước chứ chưa nói đến đại đa số người dân lao động, những người sống trong vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của BĐKH bởi đa phần họ là người nghèo, mức độ dân trí cơ bản chỉ từ trung bình đến thấp.
   
Nâng cao nhận thức cho người dân vùng nông thôn về BĐKH là việc làm hết sức quan trọng
    
   
  Theo ông  Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng tủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV & BĐKH), tình hình diễn biến của BĐKH lên các mặt của đời sống có biểu hiện rất phức tạp, trước tiên là nhiệt độ trung bình trái đất tăng lên, băng tan nhanh ở các cực, mực nước biển toàn cầu dâng cao, lượng mưa và phân bố mưa thay đổi gây nên các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, tố lốc... Tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn trên diện rộng làm thiệt hại đến mùa màng; hạn hán thường xảy ra vào mùa khô, nắng nóng, lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa nhiều lần đã làm cây trồng khô héo nhanh chóng, có thể dẫn tới làm chết cây trồng hàng loạt. Tác động của BĐKH đang ảnh hưởng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, BĐKH cũng xóa đi nhiều thành quả to lớn nỗ lực nhiều năm mới tạo được, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
   
  Trong khi đó, người dân có thể chỉ cảm nhận rõ nét nhất khi được thông tin dự báo KTTV và tiếp cận những bản tin thời tiết cụ thể, cũng như những tác động đã trở thành “hậu quả” của BĐKH. Còn lại để hiểu nguyên nhân căn bản về những điều liệt kê ở trên thì cần có một vốn kiến thức nhất định mà không phải đối với tầng lớp dân cư nào cũng có thể truyền đạt được.
   
  Cũng không thể phủ nhận tác dụng của những hoạt động triển khai chương trình ứng phó BĐKH đã nâng cao hiểu biết của đa số người dân. Hiện, quá trình triển khai dự án và kết quả của nó đang phát huy hiệu qua một cách rõ nét khi người dân quan tâm nhiều hơn đến các dự án mà chính mình là người hưởng lợi. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu cụ thể như Chương trình mục tiêu đề ra, rất cần xây dựng một Chiến lược truyền thông sâu rộng với những vấn đề đặt ra thật cụ thể, thật thiết thực đối với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, việc lồng ghép giữa truyền thông và các dự án ứng phó BĐKH cần gắn kết chặt chẽ với đời sống KTXH, mà điều này thì chúng ta chưa làm được là bao.
   
Chấn chỉnh phương thức, đẩy mạnh truyền thông
   
  Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình về BĐKH được xây dựng và triển khai, tập trung vào các giải pháp, trong đó đặc biệt nhất mạnh vai trò của truyền thông, luôn coi truyền thông là vấn đề quan trong hàng đầu trong tất cả các hoat động ứng phó BĐKH.
   
  Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, công tác truyền thông đã đạt được nhiều kết quả như: Cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư đã từng bước nâng cao sự nhận thức về BĐKH và các tác động của BĐKH nên việc thực hiện những chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong vấn đề BĐKH có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã cung cấp kiến thức và thông tin cơ bản về BĐKH cho cán bộ quản lý các cấp, cán bộ chuyên trách tại các địa phương có những kiến thức chuyên sâu về BĐKH để qua đó phát huy và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cấp cơ sở…
   
  Song, theo ông Nguyễn Văn Tuệ: Mặc dù kết quả tuyền thông về BĐKH thời gian qua đạt được đáng khích lệ, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức Nhà nước có hiểu biết cơ bản về BĐKH và các tác động của BĐKH thì hầu hết các ngành, địa phương đều gặp khó khăn vì nguồn lực, kinh nghiệm ứng phó với BĐKH còn hạn chế, thể chế còn chưa đồng bộ...
   
  Do vậy, trong thời gian tới, là đầu mối trong công tác ứng phó với BĐKH, Bộ TN&MT sẽ cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông; tiếp tục đồng hành cùng mạng lưới thông tin báo chí đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến từng nhóm đối tượng cụ thể để có thể truyền đạt được những hiểu biết đầy đủ và đúng hơn về thách thức cũng như một số cơ hội mà BĐKH mang lại.
   
Linh Nga
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông về biến đổi khí hậu: Còn xa so với mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO