(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác vàng trái phép tại Vườn quốc gia Vũ Quang, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục tổ chức các đợt truy quét, giải tỏa, lập lại trật tự trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Hoạt động khai thác vàng tại Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn đang lén lút tiếp diễn |
Tái diễn hoạt động
Hoạt động khai thác vàng trái phép ở xã Hương Điền nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Vũ Quang bắt đầu diễn ra từ những năm 1980(theo lời kể của những già làng). Tai họa cũng đã nhiều lần xảy ra ở nơi này, hàng trăm gia đình phải gánh chịu sự mất mát người thân và các tệ nạn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng sở tại, hoạt động khai thác vàng ở xã Hương Điền đã được lắng xuống một thời gian. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014 đến nay, sau khi xã Hương Điền thực hiện công tác di dân, tái định cư vào khu vực Khe Ná – Khe Gỗ, đồng thời có bốn đơn vị đang thực hiện khai thác gỗ, làm sạch lòng hồ theo chủ trương của tỉnh ở dự án thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang. Lợi dụng tình hình đó các đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép ngày càng có tổ chức, kéo theo nhiều diễn biến phức tạp về trật tự an ninh xã hội, gây thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước.
Theo đó, tại khu vực Khe Tro, Khe Đừng thuộc địa bàn xã Hương Điền, huyện Vũ Quang, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ngày càng quy mô, phức tạp hơn. Trên tuyến dọc khe suối, một trong những điểm được xác định là "túi vàng" sa khoáng, nguồn nước trong xanh từ thượng nguồn đổ về nay không còn do hoạt động khai thác gây ô nhiễm. Vắt ngang qua dãy núi là những con đường mòn trơn trượt dẫn đến các lán, hang ven suối và trên các vách núi mà không ai có thể thống kê được có bao nhiêu lán, hang đào đãi vàng trái phép. Nhưng tính trung bình mỗi lán và hang có không dưới 15 người, họ là người dân tứ xứ đến từ các tỉnh như: Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị...cùng chung một mộng ước muốn đổi đời nhờ vàng.
Tại các lán trại, "vàng tặc" đã tập kết đầy đủ các phương tiện để cắm chốt lâu dài phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép. Cũng tại đây, các hoạt động trái pháp luật như: Cờ bạc, ma túy cũng đang tìm cách len lõi. Không những thế, phu vàng chủ yếu là người nông dân bỏ ruộng nương đi đào đãi vàng trái phép ngày một nhiều. Một màu đỏ quạch từ hoạt động khai thác vàng không theo quy định đã đánh cắp màu nước trong xanh ở khu thượng nguồn sông Ngàn Sâu. Những âm thanh hỗn độn của con người và tiếng gầm rú của các loại máy móc đã làm đảo lộn cuộc sống thanh bình vốn có ở vùng miền núi xa xôi này.
Khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực Vườn quốc gia Vũ Quang |
Cuộc chiến chưa chấm dứt
Theo kết quả thống kê báo cáo, trong năm 2013, đội cơ động liên ngành của huyện Vũ Quang đã tổ chức được 23 đợt truy quét, bắt giữ 35 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng, phá hủy được 47 máy nổ, 32 lán trại và nhiều đồ dùng, dụng cụ phương tiện khai thác khác của các đối tượng.
Từ tháng 2/2014 đến nay, lực lượng Công an huyện, BCH Quân sự, Đồn Biên phòng Hương Quang làm chủ lực tiếp tục tổ chức 18 đợt truy quét “vàng tặc”. Kết quả đã phá hủy và thu giữ 12 máy nổ, máy bơm nước; 1.400 lít dầu; đốt, tiêu hủy 7 lán trại và nhiều dụng cụ khác; lập biên bản xử lý hành chính, đẩy đuổi hàng chục đối tượng ra khỏi khu vực. Con số này cho thấy thực trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Gần đây nhất, ngày 20/6, tại khu vực Khe Tro, Khe Đừng xã Hương Điền, Công an huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Hương Quang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Lê Bá Thông (1974), Võ Văn Tú (1979), Lê Thế Cường (1972), Nguyễn Đình Cường (1982) đều có hộ khẩu thường trú ở Thị trấn Bắc Quan, huyện Vĩnh Linh(Quảng Trị), phá hủy 1 lán trại, 1 máy phát điện, 1 máy hút nước và nhiều dụng cụ khai thác vàng khác; Tiêu hủy 2 máy nổ, 3 máy bơm, 2 máy hút nước, 2 lán, 500 mét ống nước, 7 thùng dầu (1.200 lít dầu diezen) và nhiều vật dụng khác dùng để khai thác vàng.
Bộ Đội Biên phòng Hà Tĩnh bắt giữ nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép |
Chia sẻ khó khăn trong những đợt truy quét, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Vũ Quang cho biết: Sau nhiều lần bị truy quét, đẩy đuổi, bọn vàng tặc đã rút ra một số kinh nghiệm đối phó, đó là thiết lập các trạm cảnh giới dọc theo tuyến đường từ huyện đến bãi vàng, bố trí người làm tai mắt cung cấp thông tin về các đợt truy quét. Vì thế mà một số lần lực lượng đưa quân lên truy quét đều bị lộ, chúng nhanh chóng thu dọn “chiến trường”, chôn cất máy móc, thiết bị rồi rút quân vào rừng, khi BĐBP và công an tập kích đến nơi thì chỉ còn cảnh “vườn không, nhà trống”. Mặt khác, do lực lượng chức năng mỏng, khu vực khai thác nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, khu vực khai thác không có phủ sóng điện thoại di động cũng gặp rất nhiều trắc trở.
Trước đó, vào năm 2013, Đồn biên phòng Cửa Khẩu Cầu Treo phối hợp Đồn Biên phòng Hương Quang tổ chức truy quét tại xã Hương Điền, đồng thời thông báo cho chính quyền huyện kế hoạch truy quét và đề nghị Công an cử lực lượng tham gia phối hợp. Sau đó, kế hoạch bị lộ, đám cảnh giới đã chạy đi báo cho các chủ lán vàng. Do đã lường trước nên lực lượng BĐBP Hương Quang đã lập tức mở cuộc chạy đua với chúng và triển khai các mũi chốt chặn, tập kích thẳng vào các bãi vàng, khiến bọn chúng không kịp trở tay. Những chiếc máy nổ, máy phát điện, máy nghiền đá chôn lấp sơ sài đã bị các chiến sỹ đặc nhiệm BĐBP phát hiện, 25 đối tượng bị dẫn giải xuống núi.
Khó có thể nói hết những khó khăn, gian khổ của các lực lượng phối hợp trong những đợt hành quân truy quét “vàng tặc” tại vùng đệm vườn quốc gia Vũ Quang. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, họ phải mò mẫm bước đi trong đêm tối dọc theo những con suối đầy rêu, trơn trượt, leo qua những quả đồi, những ngọn núi cao ngất để quản lý, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. Cuộc chiến đấu của họ chưa chấm dứt, bởi không ít người vẫn nuôi tham vọng tìm kiếm sự giàu sang trên các bãi vàng...
Bài & ảnh: Đức Cảnh - Hồng Thiệu