Thường xuyên chịu tác động bất lợi
Bão và ATNĐ đổ bộ không chỉ gây ra gió mạnh trực tiếp tàn phá cây cối, nhà cửa, công trình, cơ sở hạ tầng… mà còn đi kèm mưa lớn xảy ra trên diện rộng kết hợp mưa lớn sau bão gây ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất bất thường… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình là cơn bão Xangsane (cơn bão số 6 năm 2006), Bão Ketsana (cơn bão số 9 năm 2009)…
Theo các nhà khoa học Viện Khoa học KTTV và BĐKH, việc giảm nhẹ đa tổn thương có thể đạt được thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, công tác chuẩn bị, phòng ngừa và giảm thiểu tác động là các hoạt động cốt lõi. Các hoạt động này phụ thuộc vào các chính sách, sự quản lý, điều hành và kinh nghiệm của địa phương. Hiệu quả của các hoạt động liên quan đến công tác giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là công tác lập kế hoạch, quản lý, điều hành sẽ vẫn bị hạn chế nếu chúng được xây dựng và triển khai theo cách tiếp cận từng thiên tai đơn lẻ.
Do vậy, việc xác định được mức độ đa tổn thương có thể đóng góp cho việc chuẩn bị, lập kế hoạch và quản lý nguồn lực, điều phối liên huyện, giúp giảm nhẹ thiệt hại do đa thiên tai gây ra.
Các nhà khoa học Viện Khoa học KTTV và BĐKH đã áp dụng phương pháp đánh giá định lượng đa tổn thương dựa trên bộ chỉ số kinh tế - xã hội - môi trường có xét đến sự gia tăng TDBTT đối với các thiên tai xảy ra đồng thời và nối tiếp để xác định được mức độ đa tổn thương của từng huyện thuộc các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ đối với gió mạnh, mưa lớn trong và sau bão. Đây là nỗ lực đầu tiên để đánh giá định lượng đa tổn thương cho 64 huyện thuộc 6 tỉnh ven biển ở Trung Trung Bộ.
Kết quả cho thấy, 89% các tỉnh Trung Trung Bộ có mức độ đa tổn thương rất cao như Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và một số quận ở Đà Nẵng (Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ).
|
Cần giảm độ nhạy cảm, tăng nguồn lực
Đánh giá của Viện Khoa học KTTV và BĐKH cũng chỉ ra rằng, phân bố không gian đa tổn thương có sự tương quan cao với TDBTT đối với thiên tai đơn. Các địa phương có TDBTT rất cao đối với thiên tai đều có mức độ đa tổn thương rất cao. Đa tổn thương có thể tăng 25% - 105% so với TDBTT đối với thiên tai gió mạnh.
Điều này cho thấy khi chịu tác động của các thiên ta xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp, TDBTT của khu vực tăng lên đáng kể. Do đó, đối với những khu vực thường bị ảnh hưởng bởi các thiên tai xảy ra đồng thời/nối tiếp, cần đánh giá đa tổn thương gây ra bởi các thiên tai này.
Cùng với đó, các bản đồ phân vùng đa tổn thương cho phép dễ dàng so sánh mức độ đa tổn thương giữa các huyện, cung cấp cơ sở nhận định khu vực nào nên được xem xét ưu tiên nâng cao năng lực chống chịu đối với đa thiên tai, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, khu vực Trung Trung Bộ có mức độ đa tổn thương rất cao, việc trang bị, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến để cảnh báo sớm và xây dựng nơi trú ẩn thích hợp để sơ tán khẩn cấp khi bị ảnh hưởng của bão là cần thiết. Người dân và chính quyền địa phương cần được nâng cao nhận thức và được đào tạo nhiều hơn nữa các kỹ năng sẵn sàng phòng chống thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong tương lai.
Các nhà khoa học Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho rằng, việc nâng cao chất lượng dự báo thiên tai và công tác truyền tin cần được thực hiện song song, đồng bộ để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Bởi lẽ, khi có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, nếu công tác dự báo cường độ gió và lượng mưa liên tục được cải thiện về độ chính xác, nhưng việc công bố thông tin không kịp thời hoặc theo các hình thức quần chúng không thể tiếp cận được vẫn sẽ gây khó khăn trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do đa thiên tai.
“Trong tháng 10, 11 sẽ là cao điểm đón bão, đặc biệt là các tỉnh Trung Bộ. Trong thời gian tới, các địa phương ở Trung Bộ cần chủ động lên kế hoạch ứng phó để phòng ngừa những cơn bão có thể liên tiếp đổ bộ vào khu vực này. Đặc biệt đề phòng tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ.”
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia