Trung tâm KTTV Quốc gia đã làm tốt 2 nhiệm vụ quan trọng

23/12/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 23/12, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.

Theo Báo cáo của Trung tâm, trong năm 2016 có 09 cơn bão và 05 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động ở Biển Đông, trong đó có 04 cơn bão và 01 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Các cơn bão có xu hướng phức tạp và hiếm gặp và ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh miền Bắc, điển hình là cơn bão số 07 (Sarika) và cơn bão số 1(Mirinae).

Năm 2016 cũng là năm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết đặc biệt. Từ ngày 22-27/01 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có những ngày rét kỷ lục, hơn 20 điểm có băng tuyết ở Việt Nam (đặc biệt, lần đầu tiên tại đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội), Bình Liêu (Quảng Ninh), Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuất hiện mưa tuyết; 13 lần xuất hiện mưa đá. Từ tháng 4 đến tháng 8 đã xuất hiện 13 lần lốc xoáy, riêng trong tháng 6 đã xuất hiện 2 lần hiện tượng vòi rồng ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Dông sét cũng xuất hiện nhiều và gây thiệt hại đáng kể.

Tình hình thời tiết, KTTV ngày càng khó lường và có diễn biến phức tạp là vậy, trong khi đó, công tác dự báo vẫn có những khó khăn khách quan, chủ quan còn tồn tại. Ví dụ như như việc cải tiến và đa dạng hoá bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế ngày càng cao của công tác chỉ đạo, chỉ huy và phục vụ cộng đồng; Dự báo diễn biến lũ, đỉnh lũ gặp khó khăn và sai số do bị tác động bởi các hồ chứa thủy điện điều tiết và vận hành.

Mạng lưới trạm KTTV còn thiếu về số lượng và phân bố chưa đều theo lãnh thổ
Mạng lưới trạm KTTV còn thiếu về số lượng và phân bố chưa đều theo lãnh thổ

Hiện tại, mạng lưới trạm KTTV còn thiếu về số lượng và phân bố chưa đều theo lãnh thổ, số lượng thiết bị công nghệ quan trắc truyền thống còn chiếm đa số. Đặc biệt ngoài biển khơi mật độ trạm quá thưa, số liệu quan trắc khí tượng phục vụ dự báo bão và ATNĐ thiếu nhiều so với nhu cầu.

Đối với vùng núi cao, nơi có địa hình biến đổi mạnh mẽ, nơi đầu nguồn các hệ thống sông suối, mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo, nhất là cho công tác cảnh báo lũ, lũ quét và cho ứng dụng các mô hình tính toán thuỷ văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành điều tiết các hồ chứa.

Hệ thống xử lý, thu nhận đầy đủ số liệu, xử lý nhanh, công nghệ cao, đòi hỏi có sự đồng bộ nhiều mặt trong khi hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế. Các phương tiện hiện nay chưa thể đảm đương việc thu thập và xử lý số liệu cho các mô hình số trị tiên tiến. Hệ thống máy tính hiệu năng cao hiện có chưa đủ mạnh để xử lý khối lượng tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dự báo bão...

Theo đánh giá chung, vượt lên trên tất cả những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Trung tâm KTTVQG cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ của mình.Trung tâm đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và các Đài KTTV khu vực nghiên cứu, phân tích, nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên phạm vi cả nước, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, ngay trong mùa mưa năm 2015, đã thông tin cảnh báo sớm đến các cấp chính quyền và nhân dân về khả năng thiếu nước, hạn hán gay gắt ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên; thiếu nước, hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2016.  

Ngoài ra, Trung tâm đã tăng cường thêm các bản tin thông tin về diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn và dự báo khả năng hạn hán, xâm nhập mặn gửi đến các cấp chính quyền và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Do sớm nhận được thông tin cảnh báo, dự báo về tình hình thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, chính quyền địa phương các cấp sớm có phương án phòng chống hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại.

Trong năm qua, Trung tâm đã theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn trên phạm vi cả nước: Cảnh báo và dự báo sát diễn biến của 5 ATNĐ và 09 cơn bão; 16 đợt KKL; 23 đợt nắng nóng diện rộng; 19 đợt mưa lớn; 18 đợt lũ lớn và nhỏ. Các bản tin dự báo về bão và ATNĐ của Trung tâm luôn kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân; cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các ban, ngành, địa phương, phục vụ tốt công tác chỉ đạo sản xuất.

Trung tâm đã chủ động ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Luật KTTV (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) để thực hiện trong toàn Trung tâm; tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt thi hành Luật KTTV và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động; tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật KTTV và Hội thi tuyên truyền Luật KTTV trong toàn Trung tâm, thu hút 100% cán bộ viên chức, tham gia, nhiều bài viết, tiểu phẩm được đánh giá cao, thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo các đơn vị và cán bộ viên chức đối với luật KTTV...

Tai Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên và ban lãnh đạo Trung tâm. Ông cho rằng, trong năm qua, Trung tâm đã làm tốt 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là đã tham mưu cho Bộ, Chính phủ về việc triển khai Luật KTTV. Cho đến giờ phút này, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ cơ bản đã hoàn thành. Về công tác dự báo, Thứ trưởng chia sẻ: "Công tác này vô cùng khó khăn và chưa bao giờ dễ dàng. Dù chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội nhưng công tác dự báo thực sự đã có nhiều có gắng và chuyển biến rõ rệt. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm và khen ngợi thành quả trong năm qua của Trung tâm“.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo, trong năm 2017, Trung tâm cần theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng KTTV, cung cấp kịp thời hơn các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng tránh thiên tai.

Tập trung đầu tư phát triển mạng lưới trạm theo hướng tự động hoá, đồng bộ lồng ghép với các lĩnh vực khác theo hướng hiện đại, đồng bộ; Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành KTTV theo hướng thành lập Tổng cục KTTV, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trung tâm, đảm bảo cơ cấu, số lượng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải cách lề lối làm việc và đổi mới cơ chế quản lý. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để phục vụ cho yêu cầu phát triển và hiện đại hoá ngành KTTV.

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực thi hiệu quả Luật KTTV.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về KTTV và Luật KTTV đối với các cấp chính quyền và nhân dân.

                                                                                             Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm KTTV Quốc gia đã làm tốt 2 nhiệm vụ quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO