Trồng rừng thay thế ở Quảng Nam: Còn nhiều gian nan

17/03/2017 00:00

(TN&MT) - Quảng Nam là địa phương có diện tích trồng rừng thay thế (TRTT) lớn do hàng loạt thủy điện đã lấy mất nhiều diện tích rừng ở vùng đầu nguồn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc TRTT triển khai khá chậm trễ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hạ du.

Hầu hết các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đều nợ trồng rừng
Hầu hết các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đều nợ trồng rừng

Nhập nhằng trong thủ tục

Quảng Nam có tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình, dự án, phải trồng rừng thay thế là trên 1.650ha, trong đó chủ yếu là diện tích chuyển sang làm thủy điện với hơn 1.400ha, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 840ha, đạt trên 50% tổng diện tích. Năm 2014, theo kế hoạch, diện tích trồng rừng thay thế trên toàn tỉnh hơn 770ha, nhưng chỉ thực hiện được 23,8ha (đạt 3,4% kế hoạch). Hầu hết các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đều nợ trồng rừng.

Nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng, sự nhập nhằng giữa nguồn chi ngân sách. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khi xây dựng phương án không bồi thường đất và tài sản trên đất của người dân nên khi triển khai không có nguồn kinh phí hỗ trợ.

Những năm qua, mặc dù UBND tỉnh, Sở NN&PTNT nhiều lần đôn đốc, tuy nhiên, mọi việc đâu lại hoàn đấy, các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở chủ dự án chứ chưa có chế tài xử lý.

Hệ lụy của việc vừa mất rừng vừa không TRTT kịp thời đã khiến tình hình lũ lụt, sạt lở đất ngày càng nặng nề hơn xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các vùng hạ du các thủy điện. Chưa kể, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, khi trồng thông thường chỉ trồng 1 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái.

Nhiều đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế dẫn đến hiệu quả rừng trồng chưa cao
Nhiều đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế dẫn đến hiệu quả rừng trồng chưa cao

Thực hiện chưa nghiêm túc

Không chỉ nhập nhằng trong thủ tục, bồi thường, sau khi triển khai TRTT nhiều đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc dẫn đến hiệu quả rừng trồng chưa cao.

Theo báo cáo của thanh tra tỉnh Quảng Nam trong kết quả thanh tra TRTT, diện tích trồng rừng theo kế hoạch phê duyệt 1.301,017ha và đã thực hiện trồng thay thế được 1.289,887ha. Trong đó, một số  khu vực có diện tích lớn chưa được trồng thay thế như: Công trình thủy điện Đak Mi 4 còn 6,29 ha, sông Bung 2 còn 2,5ha, Sông Bung 4 còn 0,65ha...  Diện tích chưa được trồng thay thế nằm rải rác tại các đơn vị trông rừng do địa hình khu vực thiết kế có đá tảng, độ dốc lớn nên các đơn vị trồng rừng không thực hiện theo đúng kế hoạch đã phê duyệt.

Nhìn chung, việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện từ năm 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước đầu có nhiều khâu thực hiện tốt. Về kỹ thuật thi công trồng rừng, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh được chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức triển khai cơ bản đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế, phê duyệt, phần lớn diện tích cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường.

Đối với diện tích rừng trồng chăm sóc, các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện các hạng mục chăm sóc rừng trồng hàng năm theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Về hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình trồng rừng như trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu được thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, do đơn vị tư vấn thiết kế điều tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên ngoài hiện trường trồng rừng chưa chính xác, có nhiều lô thiết kế trồng rừng trên đất nương rẫy của người dân, rừng tự nhiên, bãi đá, độ dốc lớn nên chưa thực hiện đầy đủ diện tích trồng rừng theo kế hoạch. Ngoài ra, đối với rừng trồng năm 2015 có tỷ lệ sống thấp do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, tỷ lệ cây sống chỉ đạt gần 80%. Một số loài cây bố trí không phù hợp với thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống rất thấp, điển hình có cây Bời lời đỏ, cây chò chỉ, cây lim xanh...

Một số đơn vị chưa thực hiện công tác giám sát liên tục, việc ghi chép nhật ký giám sát không đầy đủ. Công tác quản lý chưa thực hiện tốt, vẫn còn tình trạng người dân chăn thả trâu bò ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng trồng. Việc tập hợp hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán đối với công trình trồng rừng, chăm sóc rừng hoàn thành chậm trễ.

Từ khâu giải quyết thủ tục, hồ sơ đến khâu triển khai thực hiện đã có nhiều thiếu sót ảnh đến việc TRTT. Những cánh rừng cần được phủ xanh vẫn mãi trống trơ, thiên tai vẫn luôn rình rập cuộc sống của người dân hạ du.

Bài & ảnh:Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng thay thế ở Quảng Nam: Còn nhiều gian nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO