Trở lại vụ tranh chấp đất đai tại TP.Hưng Yên

15/12/2015 00:00

(TN&MT) - Mới đây, sự việc được cơ quan chức năng của TP. Hưng Yên kiểm tra, xác minh… kết luận vụ tranh chấp đất hai gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa...

 

(TN&MT) - Đã 30 năm qua, vụ tranh chấp đất giữa ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc ở phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên (Hưng Yên) vẫn cứ mãi “lùng nhùng”,  không cơ quan nào giải quyết dứt điểm. Mới đây, sự việc được cơ quan chức năng của TP. Hưng Yên kiểm tra, xác minh… kết luận vụ tranh chấp đất hai gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân TP. Hưng Yên.

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ngày 27/6 đăng bài: “Hưng Yên: Bao giờ mới ngã ngũ vụ tranh chấp đất”, phản ánh về tranh chấp đất ở số nhà 139, đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên giữa ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc.

Sự việc đã kéo dài  suốt 30 năm với nhiều văn bản, công văn từ địa phương đến trung ương nhưng rồi vẫn chưa đi về đâu. Tháng 10 vừa qua, UBND TP. Hưng Yên thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh lại cụ thể theo đơn đề nghị của ông Lâm Thành Dũng. Kết quả kiểm tra theo báo cáo số 70/BC – TCT ngày 27 /11/ 2015 cho thấy sự việc đang được tháo gỡ và cơ quan chức năng TP. Hưng Yên nêu rõ việc giải quyết tranh chấp trên thuộc thẩm quyền của cơ quan Tòa án.

Ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp giữa ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc
Ngôi nhà đang xảy ra tranh chấp giữa ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc

Theo kết quả kiểm tra, xác minh ngồn gốc đất của ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc: Trong sổ mục kê và bản đồ lập năm 1963, thể hiện tại thửa số 92, tờ bản đồ 16, diện tích 252m2, loại đất ao cá (vị trí hiện tại hộ bà Chu Thị Cúc đang sử dụng tại số nhà 139 đường Điện Biên); thửa số 93, tờ bản đồ 16, diện tích 196m2, loại đất rau (vị trí hiện tại ông Lâm Thành Dũng đang sử dụng và được cấp Giấy CNQSDĐ tại số nhà 141 đường Điện Biên) đều mang tên chủ sử dụng ông Lâm Thành Dũng. Theo sổ mục kê và bản đồ 237 lập năm 1997, thể hiện hộ ông Lâm Thành Dũng đứng tên chủ sử dụng tại thửa số 15, tờ bản đồ số 11, diện tích 169,1m2, loại đất T (Hiện là số nhà 141 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên). Hộ gia đình bà Chu Thị Cúc đứng tên chủ sử dụng thửa đất 11, tờ bản đồ số 11, diện tích 124,1m2, loại đất T (hiện là số nhà 139 Điện Biên 1, phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên).

Theo trình bày ông Lâm Thành Dũng với tổ công tác: Phần diện tích đất hộ gia đình ông đang sử dụng tại số nhà 141 đường Điện Biên 1 và phần diện tích đất đang tranh chấp do hộ gia đình bà Chu Thị Cúc đang sử dụng tại số nhà 139 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông được thể hiện tại:  Đơn đề nghị xác nhận quyền sở hữu đất đai và nhà bếp trên đất gửi Ủy ban hành chính xã Hiến Nam đề ngày 21/8/1956, được UBHC xã Hiến Nam xác nhận cùng ngày; Đơn đề nghị được sửa chữa nhà đề ngày 21/8/1956 gửi UBHC phố Lê Lợi và UBHC phố Lê Lợi xác nhận cùng ngày; sổ mục kê và bản đồ lập năm 1963 ghi tên chủ sử dụng là ông Lâm Thành Dũng (tổ công tác đã đối chiếu các tài liệu trên với bản gốc, nhận thấy tài liệu cung cấp giống với bản gốc).

Năm 1964, Nhà nước tiến hành mở rộng đường Điện Biên. Khi đó, hộ gia đình bà Chu Thị Cúc (chồng là ông Nguyễn Văn Hanh) đang thuê nhà ông Nguyễn Văn Súng để ở, do một phần diện tích đất nhà ông Súng thuộc diện giải tỏa để làm đường nên ông Súng không cho vợ chồng bà Cúc thuê nữa. Được sự vận động của UBHC thị xã Hưng Yên mà trực tiếp là ông Dương Mạnh Tiến, Chủ tịch UBHC thời điểm đó vận động, nên hộ ông Dũng đã đồng ý cho gia đình bà Chu Thị Cúc mượn phần diện tích đất để dành cho em trai ông Lâm Thành Dũng là ông Lâm Hạnh Phúc (khi đó đang đi bộ đội) để ở (nay thuộc nhà 139 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi) và yêu cầu hộ bà Cúc phải trả lại phần diện tích đất nêu trên khi nào ông Lâm Hạnh Phúc xuất ngũ trở về. Việc cho mượn không lập giấy tờ và không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, năm 1977 gia đình ông Dũng nhận được Giấy báo tử đối với ông Lâm Hạnh Phúc nên đã đề nghị hộ bà Chu Thị Cúc trả lại phần diện tích đất nêu trên để làm nơi thờ cúng Liệt sỹ Lâm Hạnh Phúc (đề nghị miệng).

Năm 1985, ông Lâm Thành Dũng đã gửi đơn đến UBND phường Lê Lợi đề nghị buộc hộ bà Chu Thị Cúc trả lại phần diện tích đất được hộ gia đình ông cho mượn năm 1964 (được thể hiện tại Giấy báo đến giải quyết đơn đề ngày 25/9/1985 của UBND phường Lê Lợi). UBND phường Lê Lợi không giải quyết dứt điểm được vụ việc nên sau đó ông Lâm Thành Dũng đã nhiều lần gửi đơn cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết cho hộ gia đình ông. Đến nay, vụ việc chưa được cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết dứt điểm.

Tổ công tác của UBND TP. Hưng Yên đã có kết luận: Căn cứ hồ sơ, tài liệu thu thập thể hiện phần diện tích đất nêu trên đã được đăng ký Sổ mục kê lập năm 1963. Đây là một trong các loại giấy tờ được quy định tại Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 43/2014/NĐ – CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật đất đai: “Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g, Khoản 1 Điều 100 của Luật đất đai”. Các giấy tờ khác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 100 của Luật đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm: Sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980. Tại Khoản 1, Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toàn án Nhân dân giải quyết”

Chíng vì vậy nên vụ tranh chấp đất đai tại số nhà 139 đường Điện Biên, phường Lê Lợi, không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Hưng Yên. Tổ công tác đã hướng dẫn ông Lâm Thành Dũng gửi đơn đến Tòa án Nhân dân thành phố giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đã 30 năm, ông Lâm Thành Dũng lóc cóc vác đơn khắp cơ quan chức năng từ thành phố lên trung ương. Lần này, vụ việc được chỉ rõ cơ quan giải quyết, gia đình ông Lâm Thành Dũng hy vọng, mong chờ sẽ giải quyết dứt điểm phân định rõ đúng – sai một cách “thấu tình, đạt lý” nơi công đường.

Bài & ảnh: Phạm Hoàng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại vụ tranh chấp đất đai tại TP.Hưng Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO