Trình 2 phương án nhượng quyền sân bay Phú Quốc

26/05/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và...

 

(TN&MT) - Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và việc thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để thực hiện xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hàng không cơ bản đã đầy đủ. Đối với hình thức nhượng quyền, trước mắt Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu thí điểm, trên cơ sở đó sẽ đánh giá, điều chỉnh cơ chế, chính sách để triển khai rộng rãi.

Việc lựa chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc (CHKQT) để thực hiện thí điểm dựa trên cơ sở là Cảng hàng không do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp; quy mô không quá lớn và đã hoàn thành, đưa vào khai thác; không có căn cứ quân sự và không có hoạt động quân sự thường xuyên. Ngoài ra, Phú Quốc là địa bàn tiềm năng phát triển du lịch; dự án hấp dẫn đầu tư vì tốc độ tăng trưởng hành khách hàng năm cao và ổn định (năm 2014 đạt khoảng 1triệu hành khách, tăng trưởng 46,4% so với năm 2013).

Từ đó, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc như sau:

Phương án 1 là nhượng quyền cho Nhà đầu tư vận hành khai thác toàn bộ cảng hàng không, trừ những hạng mục mà Nhà nước cần nắm giữ theo các nguyên tắc đã nêu trên.

Phương án 2, chỉ nhượng quyền cho Nhà đầu tư vận hành khai thác nhà ga; ACV vẫn quản lý vận hành khu bay. Tuy nhiên, theo phương án này thì hàng năm, ACV phải bù lỗ do doanh thu khu bay không đủ chi phí duy tu, vận hành. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng đề án chi tiết, phân tích, lựa chọn hình thức phù hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, ngày 12/5/2015,  Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và việc triển khai thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; đồng thời xây dựng Đề án thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Về lộ trình thực hiện, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để có được hành lang pháp lý phù hợp. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, lựa chọn Tư vấn xây dựng đề án thí điểm.

Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, so sánh và lựa chọn hình thức nhượng quyền phù hợp trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng. Xây dựng phương án tài chính đảm bảo tính khả thi của hình thức nhượng quyền khai thác trên cơ sở tính toán theo quy định, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và lợi ích của Nhà đầu tư. Xây dựng phương án khai thác tại các công trình được nhượng quyền trên nguyên tắc đảm bảo tính liên tục và bình đẳng, công bằng giữa các đơn vị có nhu cầu khai thác dịch vụ tại cảng hàng không-sân bay.

Trong lộ trình này, Bộ GTVT triển khai xây dựng phương án để đàm phán với Nhà đầu tư được nhượng quyền trên nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đang làm việc tại cảng hàng không.

“Trước mắt chỉ thí điểm nhượng quyền khai thác cho Nhà đầu tư trong nước. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết mới triển khai nhân rộng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc triển khai đề án này, sau khi được chấp thuận chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc, căn cứ vào tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ ACV, Bộ GTVT sẽ thực hiện điều chỉnh phương án cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

Được biết, hiện tại có 2 nhà đầu tư trong nước là “Bầu Hiển” – ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T và “Vua hàng hiệu" - ông Jonathan Hạnh Nguyễn, ông chủ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có văn bản gửi Bộ GTVT bày tỏ sự quan tâm, mong muốn được nhượng quyền khai thác CHKQT Phú Quốc.

PV

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình 2 phương án nhượng quyền sân bay Phú Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO