Triệu Sơn (Thanh Hóa): Mười năm người dân sống chung cùng rác

27/03/2015 00:00

(TN&MT) - Sự tồn tại của bãi rác tự phát tại thôn 7, xã Thọ Dân, Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng như kinh doanh của người dân nơi đây trong suốt nhiều năm qua...

Đi dọc con đường ra bãi rác chỉ cách khu dân cư khoảng 500m với đủ loại rác thải từ túi nilon, xác xúc vật chết, quần áo, đất đá…được chất thành đống bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu đầy. Rác thải còn được đổ tràn lan xuống kênh mương tưới tiêu và ruộng lúa của bà con đang canh tác gây ách tắc tuyến đường giao thông nội đồng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Rác thải đổ tràn ra kênh mương
Rác thải đổ tràn ra kênh mương

Tại đây, chúng tôi mới cảm nhận được hết nỗi khổ của người dân phải chịu đựng với bãi rác tự phát trong suốt nhiều năm qua. Bởi rác thải tập kết về đây không được phân loại và xử lý nên xuất hiện nhiều ruồi nhặng, những vũng nước cặn bốc mùi hôi xú uế, hàng chục con bò đang thi nhau ăn... rác và đầm mình trong rác cùng với những vũng nước đen ngòm.

Rác thải lâu ngày được chất thành đống
Rác thải lâu ngày được chất thành đống

Một hộ dân sống gần khu vực bãi rác bức xúc cho biết: "Gần chục năm qua người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ bãi rác tự phát bốc lên. Hơn nữa con đường ra ruộng canh tác bị tập kết rác chất thành đống như núi không còn lối đi, rác nhiều quá tràn xuống ruộng lúa và mương tưới tiêu. Trời mưa tạo thành vũng nước đen ngòm, mùi hôi khó chịu, còn trời nắng thì rác thải từ túi nilon bay khắp ruộng đồng. Nhà cửa chúng tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì mùi hôi của rác. Đặc biệt tình trạng đốt rác thủ công và không có sự phân loại nên mùi khét lẹt, khói mù mịt. Với lượng rác thải quá lớn, trong khi đó lại không có biện pháp xử lý, tiêu hủy gây ô nhiễm môi trường dẫn đến người già và trẻ em ở đây bị mắc các căn bệnh như: hô hấp, viêm phổi, đau bụng, tiêu chảy, bệnh lở loét ngoài da”.

Đủ các loại rác thải tràn ngập xuống ruộng lúa của bà con đang canh tác
Đủ các loại rác thải tràn ngập xuống ruộng lúa của bà con đang canh tác

Chị Lê Thị Hiền ở thôn 2, xã Thọ Dân cho biết: “Nhà tôi ngay ở đường Quốc lộ 47, cách bãi rác chưa đầy 500m, nhưng đúng là sống gần bãi rác như là “địa ngục”. Gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác vì có ít đất sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống chủ yếu dựa vào các cửa hàng tạp hóa, ăn uống, giải khát ven Quốc lộ,... Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên nồng nặc cùng với ruồi nhặng bay vào quán bâu đầy vào đồ ăn, thức uống và mùi khó chịu từ đốt rác theo chiều gió bay về khu vực quán xá nên những khách hàng qua đường và người dân quanh vùng không dám đến đây mùa hàng nữa”.

Rác thải đổ tràn gây ách tắc tuyến đường giao thông nội đồng
Rác thải đổ tràn gây ách tắc tuyến đường giao thông nội đồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Thọ Dân khẳng định: “Bức xúc của người dân về thực trạng gây ô nhiễm môi trường từ bãi rác là có thật. Bãi rác ở thôn 7 có từ 10 năm nay, chủ yếu là nhân dân và đội thu gom rác thải ở chợ đổ về. Rác thải tràn xuống kênh mương và ruộng lúa như bà con phản ánh là có, vì không đổ ở khu vực này thì chúng tôi không biết đổ ở đâu. Việc đổ rác ở đây cũng chỉ là tạm thời. Hiện tại xã có quy hoạch bãi rác tại thôn 8 thuộc xứ đồng quán Đụn, nhưng xã chưa có kinh phí để xây dựng. Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng quan tâm đến xã Thọ Dân, ủng hộ kinh phí để đầu tư xây dựng bãi tập kết rác của xã, rồi chuyển toàn bộ rác từ bãi rác tạm ở thôn 7 về tập kết đúng nơi quy định. Có như vậy thì mới giảm thiểu được ô nhiễm môi trường trong nhân dân như hiện nay”.

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác tự phát tại xã Thọ Dân rất nghiêm trọng. Đề nghị UBND huyện Triệu Sơn, sớm vào cuộc xử lý dưt điểm tình trạng trên để người dân nơi đây khỏi phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường!.

 

Bài và ảnh: Thu Thủy - Anh Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu Sơn (Thanh Hóa): Mười năm người dân sống chung cùng rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO