Triển vọng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian

09/07/2015 00:00

(TN&MT) - Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam và là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Tây Nguyên, nơi tập trung những giá trị mang tính toàn cầu về...

 

(TN&MT) - Ngày 9-6-2015, Khu vực Langbiang và vùng phụ cận (trên cơ sở quy mô của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới theo hồ sơ đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam và là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Tây Nguyên, nơi tập trung những giá trị mang tính toàn cầu về tài nguyên đa dạng sinh học, hòa quyện vào không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận.

Cây pơmu ngàn năm tuổi.
Cây pơmu ngàn năm tuổi.

Hấp dẫn Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9

Năm 1986, trước tiềm năng rất lớn của rừng Lâm Đồng, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký Quyết định thành lập 2 vùng rừng cấm là Bidoup và Cổng Trời. Sau đó, tỉnh thành lập Ban quản lý Rừng đặc dụng Bidoup- Núi Bà. Ngày 19-11-2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1240/QĐ-TTg “Chuyển giao Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà”, là Vườn thứ 29 của Việt Nam. Vườn được đặt tên theo hai ngọn núi cao nhất cao nguyên Langbian là Bidoup (2.287m) và Langbiang (Núi Bà, 2.167m). Vườn có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái góp phần phòng hộ đầu nguồn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, cải thiện sinh kế cộng đồng, bảo vệ an ninh quốc phòng. Vườn được chia thành 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.

Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà trải rộng trên 70.000ha (rừng đặc dụng 56.436ha, rừng phòng hộ trên 13.600ha); trong đó, diện tích rừng thông khoảng 20.000ha. Vườn có vùng đệm 32.300ha nằm trên địa bàn 5 xã, thị trấn ở huyện Lạc Dương và một phần xã Đạ Tông (huyện Đam Rông).

Vườn là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia gồm các kiểu rừng đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Có 5 tầng tán cây rừng. Sự đa dạng sinh học ở đây thể hiện có các loại rừng: Rừng kín thường xanh; rừng hỗn giao lá rộng - lá kim; rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… Đặc biệt, trong quần thể hàng ngàn cây pơmu hiện hữu có cây pơmu đại thụ hơn 1.300 tuổi, cao 40m, tán 20m, chu vi 13,5m, gốc tới 8 người ôm mới xuể. Vườn có 1.923 loài thực vật phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam năm 2000. Trong đó có quần thể rộng lớn thông hai lá dẹt từ 500 đến hơn 1.000 tuổi, 96 loài thực vật đặc hữu, 62 loài thuốc quý, 14 loài lá kim…

Ở đây có 3 vùng chim quan trọng (Cổng Trời, Langbiang, Bidoup) trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam với hơn 226 loài khác nhau. Hội Chim thế giới đánh giá cao các loài chim đặc hữu Mi Langbiang, Khướu đầu xanh má xám, Sẻ thông họng vàng, Chim mỏ chéo… Bidoup-Núi Bà là một trong 221 khu xem chim của thế giới và một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học quốc gia. Thời gian qua, Vườn tiến hành hợp tác nghiên cứu với 21 nước trên thế giới và hiện đang có 6 dự án hợp tác quốc tế, nâng tổng số từ trước tới nay lên 10 dự án… Mỗi năm tổ chức khoảng 5-6 hội thảo quốc tế, từ năm 2012 đến giữa 2014 đã có 140 đoàn khách quốc tế đến trao đổi, nghiên cứu.

Du khách tìm hiểu về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.
Du khách tìm hiểu về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

Cộng đồng trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên

Để làm tròn chức trách, nhiệm vụ của Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà, theo Giám đốc Lê Văn Hương: Sologan của Vườn là “Giữ gìn thiên nhiên, giữ gìn văn hóa là giữ gìn tương lai”. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ dàng chút nào khi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tồn tại nhiều tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu; đời sống vẫn dựa dẫm vào rừng. Vì vậy, trước đây, mỗi năm có đến 500 vụ vi phạm pháp lệnh bảo vệ rừng. Đến nay, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ rừng của đồng bào sống trong vùng đệm, vùng giáp ranh đã có chuyển biến, các vụ vi phạm giảm dần cả về số lượng, quy mô, tính chất.

Để có kết quả đó, những năm qua, Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà chú trọng công tác khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Vườn đã khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng được 50.896ha/1.456 hộ với mức chi trả gần 20 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Vườn thiết lập được hai hệ thống bảo vệ rừng. Đó là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm tại 10 trạm, trên 70 người (có cả người dân tộc bản địa) trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ rừng. Bà con tham gia nhận rừng bảo vệ còn có trách nhiệm giám sát, “kiểm tra ngược” xem kiểm lâm có “móc ngoặc” cho ai vào rừng chặt cây, bẫy thú, khai thác lâm sản trái phép không?. Tại xã Đạ Chais, bình quân mỗi hộ được nhận 50 ha rừng. Có hộ thu nhập 25 triệu/năm. Mặt khác, Vườn vận động các tổ chức quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại (ODA) hỗ trợ thêm cho cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay đã có các dự án TFF, VCF, JICA BIDOUP NÚI BÀ… thực hiện các hoạt động như: thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng, cung cấp cây giống, con giống, phân bón, mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác cà phê, thành lập mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, khôi phục các ngành nghề truyền thống… Các dự án hỗ trợ quốc tế được đánh giá là hiệu quả và thiết thực.

Đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu với du khách.
Đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu với du khách.

Với nhiều lợi thế so sánh hiếm nơi có, Đà Lạt sẽ là một trung tâm du lịch lớn, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Phấn đấu đón khoảng 1 triệu lượt khách vào năm 2025, Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà  đang đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động: Tổ chức tour du lịch tham quan thiên nhiên, đi bộ leo núi, cắm trại, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, sẽ lập Vườn thực vật, liên kết mở vườn thú bán hoang dã ở Cổng Trời…

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam với các chức năng: bảo tồn; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân… mở ra triển vọng phát triển của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian.

Bài & ảnh: Bích Hiền

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO