Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa tại đảo Ngọc – Phú Quốc

22/12/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 22/12, tại huyện đảo Phú Quốc đã khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và...

  
(TN&MT) - Hòa trong không khí kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, sáng ngày 22/12, tại huyện đảo Phú Quốc ( Kiên Giang), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
  
 Theo ông Nguyễn Thành Hưng, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cuộc triển lãm đợt này nhằm triển khai, thực hiện nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” và đề án của Chính phủ “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.
  
  
Các đại biểu khách mời xem giới thiệu về tư liệu, Châu bản Triều Nguyễn, tư liệu về Hoàng Sa,Trường Sa.
  
 Thông qua việc trưng bày tại triển lãm các bản đồ, hiện vật, tư liệu, hình ảnh, các ấn phẩm xuất bản giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ: đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố. Đồng thời, bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
  
 Cuộc triển lãm đã cho người xem hiểu về các tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyển chọn 95 bản đồ và 4 cuốn atlas từ hơn 200 bản đồ và các atlas liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  
 Những bản đồ và atlas này được trưng bày theo 4 chủ đề: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ XVI đến XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI – XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc.
  
 Hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa; hình ảnh các di tích những hùng binh Hoàng Sa và lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân và dân ở đảo Trường Sa thuộc (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay; những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản ở trong và ngoài nước từ trước đến nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
  
 Anh Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Phú Quốc cho biết: “Cuộc triển lãm khai mạc vào lúc 08 giờ nhưng mới hớn 7giờ 30 phút toàn bộ 950 ghế ngồi trong Trung Nhà Văn hóa huyện đã được ngồi kín hết, còn lại rất nhiều người đứng bên ngoài tham quan triển lãm. Triển lãm bản đồ và các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.
  
  
Triển lãm thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân
  
 Châu bản Triều Nguyễn và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa là những tư liệu mang những giá trị độc đáo và nổi bật, khối tư liệu Châu bản Triều Nguyễn phản ánh công tác quản lý Nhà nước về mọi mặt của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945), vừa qua đã được UNESCO cấp "Bằng Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương" (ngày 30-7-2014). Ðặc biệt với các giá trị về nội dung và pháp lý, Châu bản Triều Nguyễn là cứ liệu lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  
 Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Châu bản Triều Nguyễn có 773 tập, bao gồm khoảng 85 nghìn văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Ðồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh và Bảo Ðại). Loại hình văn bản của Châu bản Triều Nguyễn rất phong phú, đa dạng: chiếu, dụ, chỉ, sớ, tấu, khải, phúc, phiến trình... được quy định một cách chặt chẽ về chức năng và thẩm quyền ban hành. Các loại hình văn bản này chủ yếu được viết tay trên chất liệu giấy dó, nó phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, những biến động lịch sử, các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Châu bản Triều Nguyễn chứa đựng nhiều giá trị.
  
 Bên cạnh tính xác thực cao, những thông tin phục vụ công tác quản lý từ địa phương tới Trung ương do các vua Triều Nguyễn xử lý, bút phê bằng mực đỏ; Châu bản Triều Nguyễn còn là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới có bút tích các nhà vua phê duyệt mọi vấn đề của đất nước trên các loại văn bản. Từ các tài liệu gốc này giúp chúng ta có thể phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khoảng 150 năm (từ năm 1802 đến 1945). Cuộc Triển lãm được tổ chức tại Nhà Văn hóa huyện Phú Quốc vào ngày 22/12 và ngày 23/12 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Kiên Giang và kết thúc vào ngày 28/12/2014.
  
  Giang Sơn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa tại đảo Ngọc – Phú Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO