Hiện nay, Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng, tham gia vào các Hiệp định thương mại lớn của thế giới cho nên, cần rà soát đánh giá để sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.
Do vậy, việc ban hành quyết định 2211/QĐ-BTNMT về việc xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) theo định hướng hội nhập quốc tế, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước tiên tiến với mục tiêu xây dựng công cụ quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thống nhất ý kiến việc xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo định hướng hội nhập quốc tế sẽ dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn của Hàn Quốc.
Hiện nay, một số các quy chuẩn của Hàn Quốc được quy định cao hơn Việt Nam nhiều lần. Do đó, chỉ đạo về cách tiếp cận, phương thức xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Hàn Quốc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng việc thực cần có sự thực hiện đồng bộ từ pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn của Hàn Quốc để đưa ra các nội dung, vấn đề pháp lý, các chính sách môi trường, phương pháp áp dụng tại Việt Nam.
Đồng thời, sau khi vấn đề pháp lý được thống nhất thì sẽ đưa ra lộ trình thực hiện các quy chuẩn mới, để từ đó có thể kiểm soát được những vấn đề, những tồn tại cũ và phê duyệt, cấp phép cho những quy hoạch mới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được xây dựng trên hệ thống tiêu chuẩn hiện đại của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị khi xây dựng hệ thống QCVN về môi trường mới cần xây dựng cơ chế giát sát, kiểm soát việc thực hiện các QCVN dựa theo các điều kiện thực tế. “Các quy chuẩn của Hàn Quốc được bổ sung, cập nhật thường xuyên. Việc áp dụng các quy chuẩn sẽ phải tính toán đền điều kiện thực tế môi trường xung quanh. Khi môi trường thay đổi thì sẽ có tính toán để giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn lại. Ở Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện theo tiêu chí này, và khi bắt đầu phải áp dụng ở những quy định cao nhất, tiêu chuẩn khắt khe nhất.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cuộc họp thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về môi trường theo định hướng hội nhập quốc tế chiều 18/12 |
Theo báo cáo, hiện nay việc thực hiện có các khó khăn, vướng mắc: Đối với Quy chuẩn chất lượng không khí, về cơ bản là tương đương, các thông số cơ bản của Việt Nam và Hàn quốc đều tham khảo của WHO. Tuy nhiên số lượng thông số khác nhau, Việt Nam quy định 36 thông số độc hại và 8 thông số chất lượng, Hàn quốc chỉ có 8 thông số. Các thông số cơ bản nói chung tương đương.
Về Quy chuẩn chất lượng nước, Hàn Quốc có tiêu chuẩn riêng cho sông, hồ, biển trong khi Việt Nam có quy chuẩn nước biển, nước mặt, nước ngầm. Tiêu chuẩn Hàn Quốc chặt hơn của Việt Nam, nếu theo phân vùng của Hàn Quốc thì Việt Nam ở mức trung bình khá. Việc điều chỉnh theo hướng chia 7 vùng chất lượng nước sông như Hàn Quốc, việc Việt Nam đạt được mức tốt, rất tốt là không khả thi.
Về Quy chuẩn thải, hiện nay, việc quy định về nguồn tiếp nhận nước thải của Việt Nam chưa thực sự rõ ràng, cụ thể; chưa có quy định cụ thể về phân loại các vùng sử dụng nước cho mục đích khác nhau; chưa ban hành được danh mục các vùng, khu vực tiếp nhận cụ thể.
Việc phân loại các cơ sở phát sinh bụi và khí thải cũng như cụ thể hóa các thiết bị xả bụi, khí thải theo từng cơ sở phát sinh bụi và khí thải có nhiều ưu điểm hơn so với các quy định trước đây. Tuy nhiên, đối với một số thông số theo quy định như Hàn Quốc sẽ khó khăn trong áp dụng, đặc biệt là thông số bụi, Nox, SOx, CO…
Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thống nhất ý kiến Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, khi tiến hành xây dựng nội dung dự thảo QCVN cần tham vấn thêm phía Hàn Quốc về các phương thức nghiên cứu, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn môi trường tại Hàn Quốc; tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành, khuyến khích lấy các ý kiến từ các nhà khoa học trẻ, được đào tạo chuyên môn sâu tại chính đất nước Hàn Quốc để tiếp thu các đóng góp xây dựng chuyên môn. Tất cả cần hướng tới mục tiêu xây dựng công cụ quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.