Triển khai vay vốn theo Nghị định 67 tại Nghệ An: Khó khăn phần vốn đối ứng

24/05/2015 00:00

(TN&MT) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá như “luồng gió mới” tiếp sức cho ngư dân cả nước vươn khơi, bám biển, tăng năng suất lao động, thu nhập kinh tế. Tuy nhiên, qua thực tế từ khi triển khai đến nay, ngư dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu đối ứng, tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng để đóng tàu mới có công suất trên 400CV theo quy định.

Sau khi Nghị định 67 được ban hành, cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các ban, ngành đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các quy định hướng dẫn tới ngư dân. Cùng với đó, thủ tục rà soát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của ngư dân về chủ trương đóng tàu có công suất lớn, đủ khả năng để bám biển dài ngày cũng được triển khai rộng khắp. Qua tìm hiểu, đến nay, trên địa bàn Nghệ An có gần 9.000 hộ đăng ký chương trình vay vốn theo Nghị định 67. Tuy nhiên, về thủ tục để được chấp thuận vay vốn đòi hỏi nhiều điều kiện như: Ngư dân phải có hồ sơ đăng ký đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu công suất từ 400CV trở lên; Chủ tàu phải chứng minh được nguồn vốn đối ứng từ 30% trở lên khi đóng mới, nâng cấp tàu lên công suất 400CV trở lên mới được giải ngân nguồn vốn vay… Chính vì vậy, về mặt thủ tục, trong số gần 9.000 hộ đăng ký vay vốn thì số hồ sơ được phê duyệt chỉ chiếm chưa đầy 10%. Tính đến nay, mới chỉ có 1 trường hợp là ngư dân Nguyễn Sỹ Thiết, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc đã được tổ chức ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với số tiền là vay 4,18 tỷ đồng trong thời hạn vay 07 năm. Với mức vay vốn như vậy, ông Thiết sẽ đủ khả năng đóng tàu công suất 490CV, tổng chi phí cho tới khi hoàn thiện khoảng gần 6 tỷ đồng. Đây cũng là trường hợp ngư dân đầu tiên của tỉnh Nghệ An được giải ngân vay vốn sau quá trình thẩm định hồ sơ của các ban, ngành liên quan.

Ngư dân hiện nay gặp khó trong nguồn vốn đối ứng để hưởng lợi từ Nghị định 67 đóng tàu to, thuyền lớn ra khơi
Ngư dân hiện nay gặp khó trong nguồn vốn đối ứng để hưởng lợi từ Nghị định 67 đóng tàu to, thuyền lớn ra khơi

Thực tế, chủ trương Nhà nước cho vay vốn để ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn được đông đảo người dân ủng hộ, háo hức chờ đợi trong suốt gần 8 tháng qua sau khi Nghị định 67 ra đời. Thế nhưng, cái khó đối với ngư dân hiện nay là làm sao để có được nguồn vốn đối ứng hợp lệ để đóng mới, nâng cấp công suất tàu từ 400CV trở lên. Vì theo quy định, nguồn vốn đối ứng mà ngư dân phải có là 30% đối với tàu vỏ gỗ và 5 - 10% đối với tàu vỏ thép. Điều này là trở ngại rất lớn đối với điều kiện kinh tế của ngư dân hiện nay. Với số tiền như vậy, để sở hữu một con tàu có công suất 400CV trở lên là một tài sản lớn mà cả đời bám biển rất khó tích cóp được.

Ông Trần Văn Tý, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Gia đình tôi hiện đang sở hữu một chiếc tàu có công suất gần 300CV từ nhiều năm nay. Khi Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ban đầu tôi cũng có ý định đăng ký. Tuy nhiên, để đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất 400CV trở lên, gia đình phải có nguồn vốn đối ứng 30% tương đương với số tiền là trên 2 tỷ thì điều này rất khó khăn cho điều kiện kinh tế gia đình. Vì ngư dân như chúng tôi bám biển hàng chục năm nay, số tiền gom góp được chưa là bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều khoản chi phí khác phải bỏ ra trước mỗi chuyến ra khơi”. Bên cạnh đó, theo phản ánh của ngư dân hiện nay, ngoài số tiền đối ứng phải có, muốn được tiếp cận nguồn của Nghị định 67 thì máy tàu phải thay thế hoàn toàn. Có nghĩa là, các loại máy động cơ cũ còn sử dụng được mà ngư dân muốn mua từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức…là không phù hợp. Bởi vì, theo Nghị định 67 thì bắt buộc ngư dân phải mua động cơ máy mới hoàn toàn.

Ngư dân hiện nay gặp khó trong nguồn vốn đối ứng để hưởng lợi từ Nghị định 67 đóng tàu to, thuyền lớn ra khơi
Ngư dân hiện nay gặp khó trong nguồn vốn đối ứng để hưởng lợi từ Nghị định 67 đóng tàu to, thuyền lớn ra khơi

Theo ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc cho biết: Với truyền thống của làng nghề hàng trăm năm qua, hiện nay chúng tôi có thể đảm nhiệm tốt việc đóng mới tàu thuyền có công suất 400CV trở lên. Tuy nhiên, do ngư dân hiện nay cũng khó trong khâu tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 với nhiều lý do khác nhau nên HTX cũng chưa có nhiều đơn hàng. Mong thời gian tới, các cấp ngành quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ ngư dân để họ có thể sở hữu nhiều tàu to, thuyền lớn đánh bắt xa bờ, tăng thêm năng suất lao động sau mỗi chuyến ra khơi.    

Trước những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu, xem xét, đề xuất các chính sách phù hợp hơn nữa. Mặt khác, cần tập trung hướng dẫn ngư dân về cách tiếp cận vốn vay sao cho hợp lý, tháo gỡ những thắc mắc cũng như nhanh chóng hoàn tất việc thẩm định hồ sơ đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị định 67. Công tác khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư, đóng mới, cải hoán nâng cấp công suất tàu thuyền đủ khả năng vươn khơi, bám biển dài ngày cũng cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

 

Bài & ảnh: Đình Tiệp - Lương Ý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai vay vốn theo Nghị định 67 tại Nghệ An: Khó khăn phần vốn đối ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO