Triển khai thí điểm liên kết phát triển KTXH vùng ĐBSCL

17/11/2016 00:00

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên...

 

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.

Ảnh: Bùi Việt Dũng
Ảnh: Bùi Việt Dũng

Cụ thể, từ tháng 11/2016-10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự tích hợp các quy hoạch thích ứng biến đổi khí hậu.

Từ tháng 11/2016-7/2018, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương chủ trì rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các địa phương gắn với quy hoạch vùng.

Về liên kết đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và ban hành bộ tiêu chí xác định các chương trình, dự án liên kết; xây dựng, tổng hợp danh mục các chương trình, dự án liên kết vùng và có tính chất vùng; cân đối nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án liên kết vùng và có tính chất vùng.

Còn về liên kết sản xuất, từ tháng 11/2017 - 10/2020,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lựa chọn xây dựng tối thiểu mỗi ngành 3 mô hình chuỗi giá trị đối với các sản phẩm mặt hàng nông nghiệp chủ lực của vùng gắn với xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ khoa học và Công nghệ nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với các sản phẩm chủ lực của vùng.

Về xây dựng thể chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì xây dựng chính sách chung phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo chuỗi giá trị; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ về tài chính đối với các thành phần kinh tế khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng; xây dựng cơ chế chính sách thực hiện liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Quý I/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng hướng dẫn, cơ chế chính sách chung, mô hình tổ chức, các hoạt động điều phối để thực hiện thí điểm liên kết.

Tháng 11/2016 - 7/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng chính sách, kế hoạch phòng, chống, thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long; bộ, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng chính sách, cải cách thể chế để khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án liên kết vùng.

Ảnh: Bùi Việt Dũng
Ảnh: Bùi Việt Dũng

 

Theo Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Quy chế, có 3 lĩnh vực liên kết:

1- Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung  xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Vùng gồm: Lúa gạo, trái cây và thủy sản.

2- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3- Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng sông, cảng biển.

 

PV  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thí điểm liên kết phát triển KTXH vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO