Ô nhiễm môi trường không còn là câu chuyện xa xôi mà đã trở thành chuyện thường ngày. Nó xảy ra tại khắp các địa phương, len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, thậm chí, từng bữa cơm của mỗi gia đình người Việt Nam. Bằng chứng là sự xuất hiện ngày càng nhiều sự cố môi trường kèm theo là các xung đột, tranh chấp về môi trường, điển hình nhất là các vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây nên.
Ở nhiều vụ việc gây ô nhiễm, người dân đã có nhiều phản ánh nhưng các phương thức giải quyết tranh chấp của các cơ quan quản lý đa phần không được người dân chấp nhận. Nguyên nhân cơ bản chính là tình trạng chưa minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp. Người dân không biết khiếu nại của mình đang ở giai đoạn nào trong khâu xử lý, chưa nói đến việc xử lý có thỏa đáng hay không?!
Không ít chính quyền nhiều địa phương còn "miễn cưỡng” xử phạt các công ty gây ô nhiễm, vì dường như chất lượng môi trường địa phương ít liên quan đến vị thế của họ, thì nhiều doanh nghiệp đều thấy rõ nộp tiền phạt sau khi gây ô nhiễm luôn rẻ hơn đầu tư vào hệ thống xử lý kiểm soát ô nhiễm, rủi ro bị đóng cửa do gây ô nhiễm cũng rất thấp. Lợi doanh nghiệp hưởng, còn thiệt hại cộng đồng gánh chịu và khắc phục. Đây cũng chính là kẽ hở, dẫn đến tình trạng “nhờn” luật!
“Nhờn” luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung đang trở thành một trong vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Đất nước đang đứng trước những rào cản làm chậm bước đi cũng từ vấn nạn này mà ra. Một lần “nhờn” xử lý không nghiêm, lần sau tiếp tục lại “nhờn” hơn.
Vậy đâu là gốc rễ dẫn đến có chuyện “nhờn” luật? Đó chính là việc xử lý vi phạm hành chính và tuân thủ pháp luật chưa nghiêm. Chính là nể nang và cả tránh né trong xử lý nhiều vụ việc. Một vụ ô nhiễm nhỏ để “nhờn” luật kéo sang những vụ việc lớn cũng bị “nhờn” luật theo. Ở đâu đó, vẫn còn những cán bộ “đục khoét” cho riêng mình càng khiến việc thực thi pháp luật dần bị lu mờ. Trong khi quy định của pháp luật rất rõ người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm tổ chức thi hành tuân thủ pháp luật. Nhưng xem ra vẫn còn không ít nơi các cấp “nói mạnh”, nhưng thực thi lại yếu ớt.
Bệnh “nhờn” luật có thể trở thành “nan y” nếu không chạy chữa kịp thời bằng chính sức mạnh của pháp luật và được trao vào tay những người đủ sức mạnh để sử dụng sức mạnh đó. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không dám kỷ luật một ai, lo ngại không có người làm việc… thì “nhờn” luật là tất yếu.
Đã đến lúc phải thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó kỷ cương phép nước. Không có vùng cấm, “bầu trời riêng” cho bất cứ ai! Đó chính là thông điệp để đất nước đi vào kỷ cương nhất nhất mọi người phải tuân thủ.