Trèo cây hái sấu ở Đà Nẵng: Hiểm họa và gây ô nhiễm môi trường

04/05/2014 00:00

(TN&MT) - Trèo cây hái sấu, hiểm họa khó lường và gây ảnh hưởng môi trường sống.

   
(TN&MT) - Nếu như Hà Nội nổi tiếng với phố Trần Phú, Phan Đình Phùng với những hàng sấu xanh mướt thì ở TP. Đà Nẵng có đường Lê Lai rợp bóng cây sấu. Hiên ngang chịu đựng gió bão là thế, nhưng mới đầu hè năm nay, quả sấu còn chưa kịp lớn thì đã bị tận thu. Trèo cây hái sấu, hiểm họa khó lường và gây ảnh hưởng môi trường sống.
   
Sấu tặc trèo cây hái  sấu
   
  Những hàng sấu trồng trên đường Lê Lai (TP. Đà Nẵng) có từ nhiều năm nay, nhằm góp phần làm đẹp đường phố và cân bằng môi trường sinh thái. Đặc biệt, những mùa mưa bão vừa qua, hàng sấu vẫn hiên ngang đứng sừng sững trên con đường Lê Lai tươi đẹp này. Trong đó đáng chú ý, cơn bão số 11 năm 2013 làm hầu hết các cây xanh trên Thành phố ngã đổ nhưng cây sấu trên tuyến đường Lê Lai này không ngã cây nào, chỉ bị gãy những tán lá nhành cây.
   
  Tuy nhiên, mỗi khi hè về, khi cây sấu cho ra trái thì xảy ra cảnh người dân leo trèo bẻ cành, giật quả làm cành lá rụng tả tơi dưới đường… đang làm xấu đi nét đẹp của con đường Lê Lai này.
   
Cây sấu góp phần tạo cảnh quan trên đường phố Lê Lai
   
  Hái sấu là công việc vất vả, điều đó ai cũng biết bởi kiếm được đồng tiền mà không phải mất đồng vốn nào là điều không đơn giản (mỗi kg sấu bán được khoảng 20.000 – 30.000 đồng). Hơn nữa, việc trèo cây mà không có bất cứ 1 hình thức bảo hộ nào cũng rất nguy hiểm. Người trèo cây luôn miệng nói do trèo quen nên không sợ và cũng không thể ngã được, nhưng thực tế đã có không ít người ngã do leo trèo mà nên.
   
  Trong 2 ngày 1/5 và 2/5, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng 1 vài thanh niên trèo cây hái sấu trên tuyến đường văn minh đô thị Lê Lai (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Điều đáng nói, mới vào hè quả sấu còn non nhưng họ cũng chẳng tha, không những hái một nơi mà tận thu hái sấu cả tuyến đường. Hệ quả, cành lá rơi xuống đường Lê Lai làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường trong những ngày Lễ, mặc cho các nhánh cây vương vãi trước nhà dân, xong việc thì bỏ đi; điều này gây nên bất bình cho người dân sống ở tuyến đường này. Điều nguy hại lỡ xảy ra tai nạn khi leo trèo thì sao, trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời dành cho chính quyền địa phương và người dân nơi đây.
   
        
Cây sấu là một loài cây sống lâu năm, lá thường xanh/bán rụng lá thuộc họ Đào lộn hột. Cây có thể cao tới 30 m. Cành nhỏ có cạnh và có lông nhung màu xám tro. Lá mọc so le, hình lông chim dài 30–45 cm, với 11-17 lá chét mọc so le. Phiến lá chét hình trái xoan, đầu nhọn gốc tròn, dài 6–10 cm, rộng 2,5–4 cm, dai, nhẵn, mặt dưới có gân nổi rõ. Cụm hoa thuộc loại hoa chùm, mọc ở ngọn hay gần ngọn; hoa nhỏ, màu trắng xanh, có lông mềm. Quả là loại quả hạch hình cầu hơi dẹt, đường kính khoảng 2 cm, khi chín màu vàng sẫm; chứa một hạt. Ra hoa vào mùa xuân - hè và có quả vào mùa hè - thu, quả được thu hái vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 9. Quả dùng tươi để nấu canh hay lấy cùi thịt của quả để làm tương giấm hay mứt sấu, ô mai, sấu dầm v.v. Nó cũng có một số tác dụng trong điều trị một số chứng bệnh và được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông. Quả Sấu chín làm mứt  ngậm chữa được bệnh viêm họng, ngứa cổ, làm long đờm, thanh giọng; chưng cách thủy với đường phèn dùng làm thuốc giải khát, ngậm trị viêm họng; ngâm với đường, gừng thêm chút ớt, muối cũng tạo thành món ăn kích thích tiêu hóa, tiêu thực. Ngoài ra, quả Sấu cũng được dùng trị chứng lở miệng do nhiệt, giải say rượu, chữa phong độc nổi mận, mụn cóc, sưng lở, ngứa ngáy… Lá Sấu dùng nấu nước chữa mụn loét. Vỏ cây dùng trị bỏng.
        
    
   
   
Bài & ảnh: Anh Dũng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trèo cây hái sấu ở Đà Nẵng: Hiểm họa và gây ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO