Trên công trường xử lý thoát nước trên đường Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn

05/07/2017 00:00

(TN&MT) - Đầu tháng 7, nóng đến rát da. Song, những công nhân làm việc trên công trường xử lý thoát nước khu vực trước nhà số 612, 612A đường Trần Hưng Đạo (TP...

 

(TN&MT) - Đầu tháng 7, nóng đến rát da. Song, những công nhân làm việc trên công trường xử lý thoát nước khu vực trước nhà số 612, 612A đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) vẫn miệt mài với công việc đào đường, đặt cống, lắp hố ga. Họ cật lực làm việc phần vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, phần vì tinh thần trách nhiệm đối với chất lượng, tiến độ thi công công trình, qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường.

Công nhân, máy móc của Công ty TNHH Hải Dương thi công khẩn trương nhằm sớm đưa công trình đi vào hoạt động.
Công nhân, máy móc của Công ty TNHH Hải Dương thi công khẩn trương nhằm sớm đưa công trình đi vào hoạt động.

Công trình ích nước lợi dân

Theo ông Lâm Tấn Lộc, chuyên viên phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, công trình xử lý thoát nước khu vực trước nhà số 612, 612A đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) có tống mức đầu tư hơn 8,8 tỉ đồng, nhằm thay thế tuyến mương hộp (cũ) đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực ngã 5 Đống Đa (TP Quy Nhơn). Công trình do phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Hải Dương làm nhà thầu thi công.

Trước tính chất cấp thiết trên, ngày 10.6.2017, Công ty TNHH Hải Dương đã bắt đầu thi công dự án. Từ đó đến nay, ngày lẫn đêm, nhà thầu huy động tối đa phương tiện, máy móc, nhân công khẩn trương thực hiện việc đào đường, đặt cống, lắp đặt hố ga. Vì đặc thù công trình nằm giữa trục đường Trần Hưng Đạo lại giao nhau với ngã 5 Đống Đa, nên mật độ phương tiện lưu thông mỗi ngày rất đông đúc. Ông Huỳnh Minh Tiên, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Hải Dương, đánh giá: “Thi công dự án này là thử thách rất lớn cho nhà thầu; bởi vừa làm sao để đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình, chúng tôi phải đảm bảo tình hình giao thông qua lại nơi đây, tuyệt đối không gây ùn tắt giao thông khi thi công”.

“Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này”, câu khẩu ngữ tuy ngắn gọn, nhưng đã làm người đi đường cảm nhận được sự tôn trọng từ nhà thầu thi công trong bối cảnh đường chật, xe cộ qua lại đông đúc.
“Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này”, câu khẩu ngữ tuy ngắn gọn, nhưng đã làm người đi đường cảm nhận được sự tôn trọng từ nhà thầu thi công trong bối cảnh đường chật, xe cộ qua lại đông đúc.

Trước khó khăn này, Công ty TNHH Hải Dương huy động hơn 30 công nhân thi công liên tục 3 ca/ngày ở công trường. Trước, trong và sau quá trình thi công, công ty lắp đặt đầy đủ 12 bóng đèn báo hiệu, 10 bóng đèn chiếu sáng, cọc tiêu, dây văng, rào chắn xung khu vực thi công; bố trí lực lượng bảo vệ để hướng dẫn, điều tiết, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân thi công và giao thông tại khu vực hiện trường. Đối với bảo vệ hoặc công nhân làm ca đêm, công ty đều trang bị và bắt buộc mặc áo phản quang.

Sau 20 ngày thi công, đến nay, đơn vị đã lắp đặt 2 cống tròn bê tông cốt thép đóng sẵn D1800 chạy song song với chiều dài 50/150m; đồng thời, lắp đặt 2/5 hố ga có nắp đậy bằng gang, loại chịu lực 40 tấn, trên dọc tuyến cống để phục vụ cho công tác kiểm tra, nạo vét, duy tu sau này. Ông Đinh Văn Tám, 42 tuổi, ở thôn Tri Thiện, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), công nhân phụ trách công việc tô trác vữa hồ, tỉ tê: “Công trình này nằm ở nút thắt giao thông có lưu lượng mật độ qua lại đông đúc mỗi ngày; trong khi lòng đường lại hẹp, nên vừa thi công, chúng tôi còn phải cảnh giác chuyện xe cộ. Để công trình không làm gián đoạn giao thông, chúng tôi phải nỗ lực hết mình, làm cật lực ngày đêm để sớm đưa công trình đi vào hoạt động”.

Còn anh Đặng Trương Hoàng, ở số hẻm 1.012 đường Trần Hưng Đạo, công nhân lái máy đào của Công ty TNHH Hải Dương, chia sẻ: “Công trình thi công nằm giữa đường Trần Hưng Đạo, nên việc thi công tiềm ẩn không ít nguy hiểm dù công trường đã rào chắn. Chúng tôi mong người điều khiển phương tiện nên chú ý quan sát, chạy chậm khi qua công trường đó là cách chia sẻ với đội ngũ công nhân đang làm việc tại đây. Bởi, việc làm này sẽ giúp chúng tôi an tâm làm việc, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án lẫn trật tự giao thông ở đây”.

“Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này”, câu khẩu ngữ tuy ngắn gọn, nhưng đã làm người đi đường cảm nhận được sự tôn trọng từ nhà thầu thi công trong bối cảnh đường chật, xe cộ qua lại đông đúc.

Cận cảnh công trường thi công công trình xử lý thoát nước khu vực trước nhà số 612, 612A đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn).

“Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này”

Có thể thấy, dẫu thời điểm công trình thi công giữa trời nắng như đổ lửa. Cái nóng hầm hập của mùa hè như muốn nuốt chửng và thiêu đốt những người đi đường. Song không vì thế, người tham gia giao thông cảm thấy nóng ruột, bất tiện. Trái lại, giữa công trình đang thi công, người đi đường dường như cảm thấy nhẹ nhõm khi bắt gặp dòng chữ: “Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này. Đi theo lối này”, bất giác thấy nhẹ lòng.

Là vì lâu nay, văn hóa xin lỗi của các nhà thầu xây dựng còn hiếm hoi quá. Cách đây hai năm, đoạn đường Nguyễn Thị Định (TP Quy Nhơn) bị xới tung để làm lại hệ thống thoát nước. Các lô cốt thi nhau mọc lên như nấm. Bao nhiêu người tham gia giao thông đi qua đây đều buông lời bực mình: “Đường với sá, lấp rồi đào, đào rồi lấp, riết rồi chẳng phân biệt được đâu là đường, đâu là ruộng”. Giữa cái nắng chói chang, dòng người nhẫn nại nhích từng tí một để len lách qua khỏi đoạn đường “hóc búa”, hẳn là cau có lắm! Nhưng chẳng ai đứng ra hay lên tiếng phân bua, giải thích để xoa dịu cái bực bội, căng thẳng của người đi đường.

Vậy nên, khi nhìn thấy câu băng rôn mang lời xin lỗi, thể hiện sự cầu thị của đơn vị đang thi công cầu đường hẳn nhiều người sẽ thấy vui vui. Anh Lê Thanh Quang, một người đi đường, hồ hởi: “Ở tỉnh ta, tôi hiếm thấy và đọc được mấy lời xin lỗi để bày tỏ sự áy náy của nhà thầu dành cho người đi đường, thành ra bước chân ra đường là đã cảm thấy được tôn trọng rồi”.

Việc dán một chiếc băng rôn có chứa lời xin lỗi giữa các tấm tôn bảo vệ công trình là một cách ứng xử rất văn minh của nhà thầu dành cho người đi đường. Chuyện này không mới ở các thành phố lớn, nhưng với tỉnh ta, ấy là một tín hiệu đáng khích lệ. Hành động này vừa thể hiện tinh thần thi công có trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đúng kỹ thuật vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông của nhà thầu.

Mong thay có nhiều khẩu ngữ mang ý nghĩa như vậy trên các công trường!

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên công trường xử lý thoát nước trên đường Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO