Trang trại chăn nuôi bủa vây khu dân cư TP. Buôn Ma Thuột

27/09/2016 00:00

(TN&MT) - Trên địa bàn xã Cư Eabua (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lâu nay tồn tại hàng chục trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm giữa khu đông dân cư. Trong đó, nhiều trang trại chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác nhân ô nhiễm, thậm chí còn thải trực tiếp ra môi trường. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Trang trại “vây quanh” khu dân cư

Những năm gần đây, trên địa bàn thôn 2 và thôn 3 (xã Cư Ebua) “bùng nổ” việc phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với quy mô từ vài chục con heo đến hàng ngàn con gà công nghiệp mỗi trang trại, khu vực này trở thành một “điểm nóng” về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi vì nguy cơ ô nhiễm môi trường.

 Nước thải từ các trang trại heo chảy trực tiếp ra ngoài môi trường
Nước thải từ các trang trại heo chảy trực tiếp ra ngoài môi trường

Điều đáng nói là các trang trại này nằm giữa khu vực đông dân cư, bao bọc xung quanh hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định từ hàng chục năm nay. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng như sức khỏe của người dân ở lân cận. Anh Nguyễn Trọng Kiên (ở thôn 3, xã Cư Ebua) bức xúc: “Xung quanh nhà tôi có tới 7 trang trại nuôi heo và gà nên không khí bị ô nhiễm nặng. Mặc dù luôn đóng kín tất cả các cửa nhưng gia đình tôi vẫn “ngợp thở” vì mùi mùi hôi thối, khó chịu bốc ra cả ngày lẫn đêm”.

Không chỉ ô nhiễm không khí, nước thải ở một số trại heo chưa được xử lý vẫn thường xuyên chảy ra ngoài môi trường. Chỉ tay vào dòng nước đen ngòm chảy từ trại heo ra trước cửa nhà mình, anh Trần Văn Nhật (ở thôn 3, xã Cư Ebua) chia sẻ: “Chẳng thèm xử lý gì hết, họ cứ cho nước thải chảy trực tiếp ra ngoài môi trường. Ngoài mùi hôi thối, nước thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi và các vi khuẩn gây bệnh. Gia đình tôi có con nhỏ nhưng phải gửi cháu trên nhà người quen vì ở nhà hôi thối suốt ngày, nguy cơ phát sinh bệnh cũng cao hơn”.

Theo dẫn đường của một số hộ dân ở thôn 3, chúng tôi đã đến ghi nhận thực tế tại nhiều điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thôn. Tại trang trại heo gần nhà anh Nguyễn Trọng Kiên, nước thải được dẫn trực tiếp xuống một hồ rộng khoảng 100m2 phía dưới. Hồ nước thải mấp mé nước đen ngòm, chỉ cần nước phía trên tiếp tục chảy xuống hoặc có mưa thì tràn ra rãnh nước kề bên. Theo những người dân địa phương, rãnh này chảy ra suối qua thôn 8 của xã rồi theo dòng nước ra đập 312, trước khi đổ ra sông Srêpốk.

Địa phương kêu “khó”

Theo anh Trần Thế Hợp (ở thôn 3, xã Cư Ea Bua), thấy hàng xóm láng giềng chăn nuôi, các hộ dân xung quanh đã đến đề nghị chủ các trang trại thực hiện các biện pháp hạn chế mùi hôi, xử lý nước thải… Nhưng gần đây, số lượng các trang trại trong khu dân cư vẫn tiếp tục tăng lên. Các trang trại cũ thì có xu hướng mở rộng chuồng trại, tăng số lượng vật nuôi. Quá bức xúc, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương nhưng sau nhiều tháng, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Mùi hôi thối nặng bốc ra từ các trang trại gà đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của khu dân cư.
Mùi hôi thối nặng bốc ra từ các trang trại gà đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của khu dân cư.

Sau khi nắm được thông tin người dân phản ánh, cuối tháng 4/2016, UBND xã Cư Ebua đã ký quyết định thành lập tổ vận động tuyên truyền về việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn xã. Tổ gồm hơn 12 thành viên là đại diện tất cả các ban ngành, đoàn thể của địa phương đã tiến hành rà soát, vận động các chủ trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổ đã tiến hành vận động nhân dân đưa các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư, hợp đồng với các đơn vị chuyên môn thu gom rác thải, đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp. Mới đây, vào ngày 22/9, UBND xã tiếp tục ra quyết định cũng cố và kiện toàn tổ tuyên truyền để hoạt động có hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Cư Ebua, trong quá trình vận động, đại đa số cả chủ trang trại đều nhận thức được việc trang trại mình có gây ô nhiễm và cam kết sẽ có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Một số hộ gây ô nhiễm cũng đã bị Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra, xử lý hành chính và yêu cầu có các biện pháp khắc phục.

Riêng việc di dời, ông Hà cho rằng khó thực hiện vì thời điểm hiện tại, TP. Buôn Ma Thuột mới chỉ quy hoạch chứ chưa có khu chăn nuôi tập trung. “Hiện cũng đã có một vài hộ di dời trang trại, số còn lại vẫn tập trung quanh khu dân cư. Qua quá trình vận động, nhiều hộ bày tỏ việc di dời ra khu vực đất rẫy xa khu dân cư sẽ gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, bảo vệ vật nuôi. Các hộ cũng đã làm cam kết sẽ di dời dần ra khỏi khu dân cư từ cuối năm nay đến cuối năm 2018. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác vận động để việc di dời các trang trại chăn nuôi trên địa bàn sớm được thực hiện, không gây ảnh hưởng đến người dân như hiện nay” - ông Hà nói.

Bài & ảnh: Lê Phước 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trang trại chăn nuôi bủa vây khu dân cư TP. Buôn Ma Thuột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO