Trắng đêm thả tê tê về rừng

06/12/2018 09:37

“A lô! Anh à? Sắp tới Trung tâm có chuyến đi rừng Quốc gia khu vực miền Trung thả tê tê, trăn anh bố trí đi được không?”. Nhận điện thoại của Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội Lương Xuân Hồng thông báo, tôi mừng rơn, bởi cứ hẹn hò đi thực tế một chuyến mãi nay mới có dịp thực hiện.

tha tete
 Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng thả cặp tê tê đầu tiên

Chuyến đi bí mật

Đúng hẹn, chiếc xe Ford Everest của Trung tâm đi tiền trạm ghé qua đón tôi cùng đi. Gặp mặt, Giám đốc Lương Xuân Hồng cho biết, đây là chuyến thả ĐVHD sau cứu hộ về môi trường tự nhiên với sự phối hợp của ba đơn vị là Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) và đơn vị vườn Quốc gia thuộc một tỉnh miền Trung. Giám đốc Hồng dặn dò, do việc thả một lượng lớn thú quý, hiếm về rừng nên chuyến đi phải được giữ tuyệt đối bí mật về hành trình, địa điểm thả thú tránh việc động vật thả bị săn bắt lại.

Ngoài xe tiền trạm, còn một xe hộ tống và một xe coaster 30 chỗ dùng chở 59 cá thể tê tê Java. Chiếc xe coaster được tháo hết các hàng ghế để lấy chỗ xếp hộp gỗ đựng tê tê. Trong hộp được lót bằng khăn bông hoặc vải mềm đủ êm cho tê tê nằm. Bên thành hộp được khoan các lỗ thông hơi. Mỗi hộp một con hoặc một đôi tùy theo trọng lượng lớn hay nhỏ. Trước khi đi, Trung tâm đã tính toán kỹ các phương án và cung đường để xe đến điểm tập kết, vật thả có đủ thời gian được nghỉ ngơi, ăn uống hồi sức trước khi đưa vào rừng.

“Cả nước hiện chỉ có một nơi được gọi là Trung tâm cứu hộ ĐVHD tổng hợp, đó là Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Các điểm cứu hộ khác trên cả nước chỉ chuyên sâu cứu hộ một số loài cụ thể như gấu, rùa, cầy vằn... Đây là trung tâm cứu hộ của Hà Nội nhưng có chức năng cứu hộ ĐVHD cả nước”.

Giám đốc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng

Trên đường đi, Hồng liên tục cầm điện thoại gọi đi hoặc nhận cuộc gọi đến. Nội dung trao đổi xung quanh sức khỏe các con vật. Hồng kể, lô tê tê này của một đầu nậu khu vực Móng Cái, Quảng Ninh tập kết chuẩn bị bán qua biên giới nên cứu hộ rất vất vả. Bởi hàng sắp bán nên số tê tê đã bị nhồi nhét các loại thức ăn nhằm làm tăng trọng lượng. Hồng bật mí, để tăng cân vật bán, bọn buôn lậu đã bơm vào bụng tê tê các loại hỗn hợp trong đó có bột đá trộn thức ăn. Trên thực tế, tê tê chỉ ăn mối và trứng kiến. Đây là loại thức ăn không dễ kiếm, Trung tâm phải đặt mua với giá khá đắt. Cũng may, nhờ nỗ lực của tập thể Trung tâm nên sau hơn hai tháng, số tê tê đã phục hồi đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên…

Sau khoảng 8 tiếng, xe tiền trạm đã đến địa bàn quản lý khu vực rừng sẽ thả thú. Chiều đầu Đông, thời tiết rừng núi mây mù. Trời lất phất mưa. Bước xuống xe, nhìn trời mưa, Hồng lẩm bẩm: “Mưa thế này, đêm nay vào rừng sẽ vất vả đây!”. 19 giờ, hai xe đi sau cũng đến. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD Nguyễn Văn Thái, một người cao to trong bộ đồng phục kiểm lâm vừa bước xuống xe liền thông báo để đảm báo bí mật, đoàn dự kiến sẽ xuất phát lúc 21 giờ đêm. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra sức khỏe và cho tê tê ăn uống, nghỉ sau một chuyến đi dài. Đàn tê tê rúc cái vòi dài, nhọn hoắt vào bát trứng kiến như hít hà rồi thè lưỡi dài ngoằng dính trứng kiến cuộn vào miệng chén ngon lành.

Xuyên rừng

21 giờ đêm, cả đoàn lên đường. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Lúc đầu, dự kiến lực lượng bảo vệ rừng gồm bảy người quen thuộc địa hình sẽ đi xe máy vào trước. Tuy nhiên, nhìn trời mưa, Thái yêu cầu họ chạy xe máy đi cùng để sẵn sàng “cứu hộ” nếu chẳng may có xe ô tô sa lầy. Và, kinh nghiệm của một người quen đi rừng đã chứng minh suy đoán này là hoàn toàn chính xác.

Đoàn xe rời đường quốc lộ rẽ theo đường đất, lầm lũi tiến vào rừng. Con đường lầy lội, gập ghềnh, nước và bùn ngập nửa bánh xe. Thỉnh thoảng bánh xe sa vào rãnh sâu khiến chiếc xe nghiêng ngả như chực đổ. Vừa đi được vài chục phút, chiếc coaster sa lầy. Bánh xe quay tít, phần đuôi xe rê ngang. Hai xe con dừng lại. Bốn xe máy vọt lên. Tất cả xuống xe hè nhau đẩy. Xoay xỏa một lúc, xe coaster cũng thoát khỏi chỗ lầy. Nhóm người đẩy bị bùn bắn tung tóe lên quần áo, mặt mũi lấm lem.

Đường càng vào sâu trong rừng càng nhỏ, hẹp lại càng gồ ghề khó đi. Dưới mưa, ánh đèn pha nhoang nhoáng. Có cảm giác xe chạy men theo bờ suối. Một bên ta luy âm vực sâu hun hút. Một bên ta luy dương vách núi dựng đứng, rất nguy hiểm.

Cho tê tê ăn 1
Nhân viên trung tâm cho tê tê ăn

Đoàn xe vừa vượt qua một con dốc thì gặp ngay đoạn đường mới san lấp. Vệt bánh xe đi tạo thành rãnh sâu như hai con mương nhỏ đầy nước. Anh em bảo vệ phóng xe máy lên trước dựng xe đứng hai bên làm cọc tiêu dưới mưa. Chiếc coaster chậm chạp bò lên. Bỗng hực... hực… hai bánh trước lún sâu, phần đầu xe sục xuống mặt đường! Xe sa lầy. Trời vẫn mưa. Lái xe nhảy xuống nằm rạp người trên bùn, soi đèn dưới gầm xe rồi đứng lên ngao ngán “Chịu rồi! chạy gọi nhờ máy gạt của công trường thủy điện kéo thôi”.

“Kiểu này chắc phải một giờ sáng mới vào đến nơi” tiếng ai đó cất lên! Mọi người xuống đứng quanh xe ngó nghiêng, lo lắng. May quá, hóa ra gần đây có máy móc của công trình thủy điện đang thi công. Khoảng 20 phút sau có ánh đèn pha, tiếng máy ủi tiến đến. Hai ba người quỳ xuống loay hoay tìm cách móc sợi dây xích vào đầu xe coaster rồi cố định vào càng lưỡi máy gạt. Chiếc máy cồng kềnh gầm gừ, lầm lũi tiến, lùi rồi từ từ nâng lưỡi gạt để kéo sợi xích hướng lên tránh làm vỡ phần đầu xe. Khi sợi xích căng lên chiếc coaster chuyển động vượt qua chỗ lầy. Cả đoàn tiếp tục lên đường.

Đã 23 giờ khuya. Vừa ngồi vào xe, tôi có cảm giác ngứa ngáy. Cầm đèn pin soi xuống chân, ba bốn con vắt đang ngóc đầu ngo ngoe tìm chỗ đốt. Cả mấy anh em vội vàng soi khắp chân, tay, áo quần tìm vắt. Đoàn xe bám nhau chạy lúc nhanh, lúc chậm qua hai trạm kiểm lâm, hai chốt biên phòng tiến sâu vào rừng. Con đường ngày càng hẹp chỉ đủ cho một xe đi, cây cối hai bên rậm rạp liên tục đập vào kính xe. Đúng 0 giờ 30 phút xe đổ dốc xuống một hẻm núi. Lái xe coaster tên Thức nhảy xuống thông báo đã đến khu vực đầu thả. Tính ra quãng đường từ đường quốc lộ vào đến đây khoảng 50km cả đoàn đi hết ba tiếng rưỡi!

Tính toán khoa học, hợp lý

Mặt đường đầy cỏ dại vẫn trơn, ướt nhưng may mắn trời đã ngớt mưa. Sau cơn mưa,vắt lổm ngổm đầy mặt cỏ, lá cây. Mọi người chuẩn bị buộc chặt giày, cho ống quần vào trong tất nhằm chống vắt chui vào cắn. Mỗi người một đèn pin chuyên dụng có dây buộc trên trán. Hộp đựng tê tê đầu tiên được hạ xuống xe. Giám đốc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hống tiến đến mở nắp hộp. Một cặp tê tê thò mũi ra ngoài hít hơi thám thính. Vì muốn để chúng thật tự nhiên, tất cả đứng im lặng chung quanh quan sát. Ánh sáng đèn được tắt bớt. Hai con tê tê cứ cuốn nhau bò loanh quanh bên cửa rồi lại leo lên nắp hộp gỗ nhưng không chịu rời đi.

“Loài tê tê không có khả năng tấn công mà chỉ biết phòng thủ. Hơn nữa vảy của chúng như một bộ áo giáp bảo vệ, hễ gặp nguy hiểm, bị động là chúng cuộn người co tròn lại như một trái bóng sắt, ngay cả đến các loài săn mồi như báo cũng chịu không ăn thịt được chúng” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD Nguyễn Văn Thái giải thích. Sau một hồi gần 20 phút bò loanh quanh như lưu luyến cái “hang gỗ” đã từng ở trên đoạn đường mấy trăm cây số, cuối cùng hai con tê tê đầu tiên cũng cắn đuôi nhau lủi vào rừng cây rậm rạp. Ánh đèn rọi theo đến khi chúng khuất hẳn, cả đoàn vui mừng tiếp tục đi bộ tiến sâu thêm vào rừng.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên sao không mở hết các hộp để thả tê tê luôn một thể cho nhanh, Hồng cười cho biết, tê tê thường sống thành từng cặp. Đặc biệt, trong tự nhiên chúng có sự phân định ranh giới, lãnh địa sinh sống rõ ràng. Vì thế, để thuận với tự nhiên, việc thả tê tê cũng phải tính toán khoa học, hợp lý tránh để xảy tình trạng thiếu thức ăn. Khoảng cách tối thiểu để thả một cặp tê tê từ hai đến ba trăm mét. Hơn nữa, tê tê rất nhát, chỉ cần động mạnh là chúng cuộn tròn như cục đá, không chịu đi. Từ lúc ấy, xe cứ chạy khoảng hai, ba trăm mét lại dừng lại hạ một hộp đựng tê tê nhẹ nhàng thả xuống.

Cả đoàn đứng đợi đến khi chúng chui khuất sâu trong rừng cây mới lên xe đi tiếp. Công việc cứ tuần tự như thế suốt đêm. Xe càng chạy sâu vào rừng, đường càng nhỏ, hẹp, rậm rạp khó đi. Nếu không có lực lượng bảo vệ rừng quen thuộc địa bàn chắc chẳng ai dám chạy ô tô vào rừng sâu giữa đêm hôm như thế. Khoảng 4 giờ sáng thì tất cả 59 cá thể tê tê được thả hết vào rừng. Đoàn dừng lại tìm chỗ quay đầu bên một lán đi rừng dã chiến của nhóm bảo vệ. Thùng nhựa cuối cùng chằng buộc chặt chẽ được hạ xuống là thùng đựng một cá thể trăn hoa có trọng lượng 15kg. Cũng giống như tê tê, nắp hộp đã mở ra nhưng con trăn còn lưu luyến bò quanh một lúc mới trườn hẳn vào rừng...

Công việc thả vật về rừng đã hoàn tất sau một đêm thức trắng. Cũng lúc này, trong lán, nồi cháo gà anh em bảo vệ rừng nấu đã chín bốc mùi thơm phức. Bên đống lửa, lá chuối rừng được trải xuống nền đất thay chiếu. Mười thành viên đoàn ngồi túm tụm chuyền tay nhau từng bát cháo nóng vừa húp vừa xuýt xoa. Phía trước lại một hành trình gian nan hơn 50km nữa đang chờ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trắng đêm thả tê tê về rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO