Trân quý thiên nhiên

13/02/2018 12:58

(TN&MT) - Với kinh nghiệm được thử thách qua các thế hệ, người dân Việt Nam đã chọn cách không từ bỏ nơi sinh ra, mà tiếp tục sống chung với điều kiện thiên...

(TN&MT) - Với kinh nghiệm được thử thách qua các thế hệ, người dân Việt Nam đã chọn cách không từ bỏ nơi sinh ra, mà tiếp tục sống chung với điều kiện thiên nhiên mới, thích ứng với môi trường mới, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, để phát triển bền vững.
TNMT Trân quý thiên nhiên
Con người biết quý trọng thiên nhiên, sẽ được thiên nhiên ưu đãi và cuộc sống nơi đó khắc dễ dàng
Lan tỏa hành động xanh 

Thái độ ứng xử của người Việt Nam đối với thiên nhiên xưa nay bao giờ cũng thân thiết và trân trọng, với cảm khái ít nhiều thần phục trước sức mạnh và sự hào phóng của trời mây cho cuộc sống muôn loài: “Trông trời trông đất trông mây/Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên biển lặng”... Nơi đâu con người biết quý trọng thiên nhiên, sẽ được thiên nhiên ưu đãi và cuộc sống nơi đó khắc dễ dàng.

Thực tế, những thành tựu bước đầu của Việt Nam trong đối đãi với thiên nhiên mấy chục năm gần đây đáng trân trọng. Mặc dù, hiệu quả chưa đồng đều, song, nhiều chính sách lớn như: Trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn, phòng chống thiên tai, tôn trọng đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái, tham gia cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ bầu sinh quyển,... đã thành công một bước. 

Nhìn lại sự kiện Ngày Môi trường thế giới năm 2017 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên”  góp phần lan tỏa hành động xanh, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó, cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống. Đồng thời, chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên. Đây là ngày hội cho mọi người ở trên khắp thế giới, trong đó, có Việt Nam thể hiện tình yêu môi trường, tổ chức các hoạt động: Dọn rác thải đường phố; hành động vì động vật hoang dã, kêu gọi chống lại nạn săn bắn bất hợp pháp, trồng cây gây rừng…
TNMT 1 Trân quý thiên nhiên
Người Việt luôn kiên cường trước biến đổi khí hậu
Cũng nhân sự kiện này, Bộ TN&MT lần thứ 2 phát động “Tháng Hành động vì môi trường năm 2017” trên phạm vi cả nước. Kết thúc Tháng hành động, Bộ TN&MT đã nhận được gần 3,5 triệu người dân Việt Nam tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ biển và hải đảo thông qua 43 báo cáo kết quả thực hiện của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Tổ chức chính trị - xã hội, Tập đoàn, Tổng Công ty, trong đó, có báo cáo của: 29 địa phương, 6 Tổng Công ty, tập đoàn, 7 Bộ, ngành, 1 Tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, một lần nữa khẳng định, Tháng Hành động vì môi trường” năm 2017 đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như sự tham gia tích cực của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cộng đồng, doanh nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thể hiện rõ trong việc vận động, khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường; nhiều điểm nóng về môi trường được xác định và xử lý bước đầu; ý thức, sự quan tâm của quần chúng nhân dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.

Biến thách thức thành cơ hội

Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hâu (BĐKH) là xu thế chung của thế giới, trong đó, có sự dịch chuyển chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. 

Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức tại TP. Cần Thơ hồi cuối tháng 9/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, biến đổi khí hậu không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức. "Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50 - 70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước cũng bị tình trạng như ta, họ đã vượt lên, làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?" - Thủ tướng đặt vấn đề. Theo Thủ tướng, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất; trong đó, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm giúp gần 20 triệu dân ĐBSCL cùng vượt qua thách thức. 

Thông điệp của Thủ tướng chính là nguồn động lực mạnh mẽ để nhân dân cả nước chung tay hành động ứng phó biến những tác động bất lợi của BĐKH thành cơ hội để phát triển bền vững đất nước.

Thực tế, Việt Nam đã vượt qua khá thành công thách thức của biến đổi khí hậu, chúng ta đã thắng thiên nhiên khi xóa được phèn ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Chúng ta không có “Vạn lý trường thành” nhưng ĐBSCL có “Vạn lý đường kênh” cho phép ém phèn để canh tác lúa, thau chua và rửa mặn.

Nhà nước và nhân dân xây dựng rất nhiều cống ngăn mặn nhằm giữ ngọt và “ngọt hóa” những vùng bị nhiễm mặn; qua đó, tăng được diện tích canh tác lúa hai vụ. Những năm 1990, tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nhiều tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… bao đê vượt lũ làm lúa vụ 3 với tổng diện tích trên 300.000 ha. Với khoảng 7 triệu tấn lúa năm 1986 thì nay, tổng sản lượng lúa của vùng này đạt trên 25 triệu tấn/năm, mang về khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước mặt hàng này.

Ngược dòng thời gian, thời điểm đợt hạn - mặn lịch sử năm 2016, đã khiến hơn nửa triệu nông dân khắp ĐBSCL bị mất trắng mùa vụ, hàng nghìn người phải di cư do thiếu việc làm và khan hiếm nước ngọt. Thiệt hại do hạn hán, xâm ngập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL năm 2016 theo thống kê lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta kịp thấy rằng, một số làng quê, người nông dân vẫn an nhiên, kiên cường trên mảnh ruộng, vườn ao trước nhà. Họ không bị mùa khô tác động, mùa vụ không mất mát là bao. Đó là câu chuyện của những hộ dân có xuất phát điểm rất nghèo ở Cù Lao Giêng (An Giang) và Cồn Sơn (Cần Thơ). Vài năm trước, khi cảm nhận được những diễn biến thời tiết bất thường, cây trồng truyền thống bị ảnh hưởng, họ đã chủ động tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới để thích ứng. 

Ở Cù Lao Giêng - một cù lao nhỏ trên thượng nguồn sông Hậu, nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài ba màu, giống xoài vừa có giá trị kinh tế cao lại dễ trồng và thích hợp với thời tiết khô hạn. Sau vài vụ thu hoạch, cung ứng nguồn hàng cho xuất khẩu với thu nhập trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm, tất cả họ đã mau chóng thoát nghèo và trở thành những “tỷ phú nông dân” bền vững. Đáng nói là khu vườn của họ không chỉ tạo doanh thu gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa mà nó còn tạo ra điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh An Giang. Vì vậy, ngoài doanh thu từ xoài, các hộ dân giờ còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động du lịch cộng đồng, cung cấp dịch vụ thăm quan, trải nghiệm bản sắc địa phương và nghỉ ngơi tại chính khu vườn của mình.

Cồn Sơn - một cù lao nhỏ do phù sa bồi đắp, cũng là một minh chứng thành công nữa cho những nông dân biết “tự cứu mình” trước thách thức của thiên nhiên. Nhiều hộ dân nơi đây lựa chọn chuyển sang nuôi các loại cá đặc hữu như: Cá bông lau, cá hồng vỹ, cá cọp, cá hô, cá thác lác… Điều thú vị hơn là một số hộ dân còn sáng tạo ra cách đưa những loài cá nuôi thành những sản phẩm du lịch “độc quyền” như “cá lóc bay” hay “chả cá Cồn Sơn”… Nhờ đó, Cồn Sơn đã mau chóng trở thành mô hình sản xuất kết hợp du lịch cộng đồng điển hình, là điểm đến tham quan không thể thiếu của các tour miệt vườn ở Cần Thơ; nhiều nông dân giờ trở nên giàu có.

Câu chuyện thành công của những nông dân này tuy không mới lạ, nhưng cách họ vượt qua nghịch cảnh từ thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về câu thành ngữ đáng giá: “Tự cứu mình trước khi trời cứu” hay “Trời giúp người biết tự giúp mình”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trân quý thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO