Tràn lan mua bán, cho thuê đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số

14/12/2015 00:00

(TN&MT) - Bán đất, cho thuê đất diễn ra hết sức rầm rộ vì nhiều nguyên nhân nhưng tiền thu về từ những hoạt động này lại được người dân tiêu xài cá nhân. Hậu...

 

(TN&MT) - Đó là thực tế về thực trạng mua bán, cho thuê đất ở vùng đồng bào DTTS đang diễn ra tại Gia Lai. Bán đất, cho thuê đất diễn ra hết sức rầm rộ vì nhiều nguyên nhân nhưng tiền thu về từ những hoạt động này lại được người dân tiêu xài cá nhân. Hậu quả là đói nghèo, thiếu đất sản xuất lại tái diễn, nhưng dường như người bán, cho thuê đất vẫn không nhận thức hết được.

Căn nhà của chị Ksor H’Léh được người thuê đất xây cho sau khi nhận thuê 300 gốc cà phê
Căn nhà của chị Ksor H’Léh được người thuê đất xây cho sau khi nhận thuê 300 gốc cà phê

Thống kê của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.500 trường hợp tự ý cho thuê đất sản xuất. Hoạt động mua bán, cho thuê đất ở đây đang diễn ra hết sức phức tạp, mà trong đó chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việc tự ý cho thuê, sang nhượng, không thông qua chính quyền địa phương không những gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai của chính quyền, mà còn để lại nhiều hậu quả tác động trực tiếp đến đời sống của người đồng bào DTTS.

Vô tư mua bán, cho thuê

Với quỹ đất có thể xem là dồi dào như ở Gia Lai, mỗi hộ đồng bào DTTS nơi đây cũng sở hữu nhà ít thì 1 – 2 ha, nhà nhiều cũng vài ha. Khi đời sống còn khó khăn, đất đai được bà con sử dụng để sản xuất, làm kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Nhưng rồi, khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, nhiều hộ đồng bào đã bán đất hoặc cho thuê đất để lấy tiền phục vụ nhu cầu của mình. Nhu cầu đó có thể chỉ là muốn ở nhà to hay muốn đi xe đẹp…

Hộ chị Ksor H’Léh, người Jrai ở làng Nái, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) có vườn cà phê hơn 300 gốc (gần 0,5 ha) đã kinh doanh được 2 năm nay với sản lượng tương đối cao, mỗi năm cho thu hoạch chừng 5 - 7 tấn hạt tươi, tùy vụ. Bỗng một ngày, H’Léh được một người từ nơi khác đến đặt vấn đề thuê lại vườn cà phê trong vòng 3 năm. Đổi lại người thuê đất sẽ xây cho gia đình H’Léh một căn nhà diện tích không quá 50 m2. H’Léh nói: “Nhà mình cũ quá rồi. Nếu không cho thuê vườn cà phê thì lấy đâu ra tiền để sửa. Lỡ nó bị sập đè chết cả nhà thì sao!”. Tuy nhiên, khi căn nhà xây xong thì bà con hàng xóm không khỏi xót xa khi thấy nó chỉ có giá trị khoảng vài chục triệu đồng.

Nhiều vườn cà phê của người đồng bào DTTS đang cho thu hoạch đều bị cho thuê
Nhiều vườn cà phê của người đồng bào DTTS đang cho thu hoạch đều bị cho thuê

Cũng tương tự chị Ksor H’Léh, ông Kpah Pơ, làng Lê Ngol, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) có 1 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch ổn định. Mỗi năm cũng thu được hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đột nhiên, ông Pơ lại ký hợp đồng cho người khác thuê đến 7 năm với cái giá “rẻ mạt” chỉ 80 triệu đồng. Hợp đồng được viết giấy tay, không hề có chứng thực của cấp có thẩm quyền nào. Lý giải nguyên nhân cho thuê đất, ông Bơ bình thản: “Vì rẫy nhiều quá, gia đình không đủ nhân lực để làm. Dù biết cho thuê đất sản xuất như vậy là rẻ, nhưng nhờ đó gia đình có thêm tiền làm vốn để tái đầu tư”.

Nói thì nói vậy, nhưng sau khi nhận được số tiền cho thuê đất ít ỏi, ông Pơ đã thoáng tay sắm ngay cho con trai một chiếc xe Yamaha Exciter trị giá 46 triệu đồng. Số còn lại ông dùng để mua phân bón, trồng ít giàn chanh leo, cung cấp cho các quán ven đường. Trường hợp khác của ông Chyăm, ở làng Dơng, xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Có  4 ha đất trồng tiêu, cà phê, ngoài ra còn nuôi bò, nuôi heo. Thế rồi, lại nghe lời ai đó mà bán đi một phần đất. Sô tiền bán đất, ông Chyăm dùng để sửa sang căn nhà lên hai tầng, xếp vào hạng to nhất xã lúc bấy giờ.

Hàng ngàn ha rừng bị tàn phá để lấy đất làm rẫy
Hàng ngàn ha rừng bị tàn phá để lấy đất làm rẫy

Hậu quả khôn lường

Rõ ràng việc nhà nông bán, cho thuê đất sản xuất rồi sử dụng tiền vào những việc “không đâu vào đâu”, tiềm ẩn những hệ lụy hết sức nguy hiểm mà trước tiên chính là sức ép đói nghèo. Dễ thấy nhất đó là tình trạng bán non nông sản như cà phê, mì (sắn) lúa…, khiến cho bà con nông dân thiệt đơn thiệt kép.

Ở xã HNol, huyện Đăk Đoa có 51.000 kg cà phê non và 16.000 kg mì non bị các hộ gia đình đồng bào DTTS đem bán. Điều đáng nói là tất cả những hộ phải bán non cà phê và mì thì đều có ít nhất một lần bán hoặc cho thuê đất sản xuất. Xã HNol cũng chính là địa phương đứng đầu của huyện Đăk Đoa khi có đến 152 hộ gia đình có sang nhượng, cho thuê đất sản xuất.

Anh Hi, làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết, thường đầu mùa, bà con “ứng” trước 1 triệu từ thương lái thì đến khi thu hoạch phải trả lãi đến 600 nghìn đồng. Họ cũng phải bán sản phẩm cho chính chủ nợ là thương lái với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là thiệt hại về mặt vật chất cho nhà nông mà còn là những hậu quả nguy hiểm hơn. Đó là sau khi bán, cho thuê đất, chắc chắn bà con đồng bào DTTS sẽ lại thiếu đất sản xuất. Và như một điều hiển nhiên, bà con lại vào rừng để khai hoang phát rẫy mới, dẫn đến tình trạng phá rừng tràn lan. Hàng ngàn ha rừng cứ lần lượt bị đốn hạ, thay vào đó là những rẫy mì, rẫy cà phê.

Người dân làm rẫy ngay trên mảnh đất vừa đốn hạ rừng thông
Người dân làm rẫy ngay trên mảnh đất vừa đốn hạ rừng thông

Nếu không lấn chiếm được đất rừng, thì bà con chỉ còn một cách là trông chờ vào chủ trương của Chính phủ về việc “bố trí đất sản xuất cho những hộ gia đình đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất”. Đất không thể sinh sôi ra được, trong khi điệp khúc “thiếu thì được cấp, cấp xong lại bán, bán rồi lại thiếu” cứ lặp lại nhiều lần, tạo nên sức ép không nhỏ cho chính quyền địa phương. Chính sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sự thiếu hiểu biết của các hộ đồng bào DTTS đẩy họ vào hoàn cảnh khó khăn, đẩy chính quyền vào thế bí, không tiến cũng chẳng thể lùi được.

Chính nếp nghĩ, cách làm, tư tưởng lạc hậu của người đồng bào DTTS khiến việc quản lý, sử dụng đất sản xuất thiếu chặt chẽ, thiếu tính hợp lý. Nếu ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương không vào cuộc thì hoạt động mua bán, cho thuê đất đang rầm rộ như hiện nay sẽ gây ra những hậu quả khó lường, việc quản lý đất đai sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan mua bán, cho thuê đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO