"Trăm dâu"... đổ đầu biển

16/11/2017 00:00

(TN&MT) - Với quan niệm nhờ có nước mà làm sạch được tất cả, nên con người vô tình hay cố ý đã biến biển thành thùng rác.

Người ta đổ xuống biển tất cả rác thải, bất kể những công ước của cộng đồng quốc tế đã ngăn cấm như chất thải phóng xạ của các quốc gia đổ ra biển, chôn xuống biển.

Mặc dù, biển mênh mông và sâu thẳm, nước có thể làm sạch được nhiều chất ô nhiễm do người đổ vào nhưng nếu không ngừng đổ ra biển tất cả chất thải chưa qua xử lý, số lượng ngày càng lớn, biển sẽ quá tải. Đến lúc nào đó, ô nhiễm quá mức sẽ quay lại gây tác hại cho con người.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển được các chuyên gia đưa ra là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn; thể chế, chính sách còn bất cập...

Nhìn tổng thể, cơ cấu dân cư ven biển đến từ tứ xứ. Họ vốn là những người nghèo đến vùng ven biển hoặc các đảo để sinh sống, tụ lập thành các “vạn chài”. Họ phải đối mặt hàng ngày với tính khốc liệt của biển cả, gắn liền cuộc sống với con thuyền, nên tư duy người vạn chài hết sức giản đơn, khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển dường như vẫn còn xa vời. Tập quán và phong tục sống còn lạc hậu, vì thế, nhận thức về môi trường và tài nguyên biển của đại bộ phận dân cư ở đây vẫn còn thấp. Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác.

Mặt khác, những năm gần đây, các tỉnh ven biển Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trong đó, xây dựng 18 Khu kinh tế biển và tập trung gần 500 khu, cụm, điểm công nghiệp cùng với hàng nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp rải rác, do vậy, đã phát sinh các nguồn thải rất lớn từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở các tỉnh ven biển.

Rác thải sinh hoạt trên biển
Rác thải sinh hoạt trên biển

Hiện, có từ 70% - 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển.

Chất thải từ các hoạt động từ khu vực cảng biển tác động và ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ sinh thái thủy sinh khu vực, giảm chất lượng môi trường nước biển, giảm nguồn lợi thủy sản. Dầu trong chất thải gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô.

Nguy hại không kém là ô nhiễm dầu làm giảm khả năng chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, làm giảm oxy trong nước, làm cán cân điều hòa oxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn.

Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 xác định kinh tế biển là mũi nhọn, nhằm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhưng chỉ có thể phát triển bền vững khi quản lý giữ gìn, bảo vệ tốt môi trường biển. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đi cùng bảo vệ, tái tạo để tránh ô nhiễm môi trường cũng như sự cố thiên nhiên.

Hệ thống luật pháp đầy đủ và đồng bộ để giữ sạch biển là một vấn đề được các cơ quan quản lý quan tâm và bàn thảo nhiều năm qua. Chế tài về lĩnh vực này hiện có Nghị định của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển; các hoạt động liên quan đến biển và bảo vệ tài nguyên biển chủ yếu được điều tiết theo các luật chuyên ngành như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hàng hải, Luật Thủy sản...

Việc thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 gần đây được đánh giá là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo của nước ta. Cùng với Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 vận dụng hiểu quả, nhất quán những nguyên tắc quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Lần đầu tiên các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên vùng biển và hải đảo Việt Nam được pháp điển hóa thành một điều luật trong một văn bản có giá trị pháp lý cao. Quy định này kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây thiệt hại đến môi trường biển và hải đảo; xâm phạm hệ sinh thái biển, hải đảo cũng như các hoạt động giữ vững an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, hải đảo Việt Nam.

Phương Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trăm dâu"... đổ đầu biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO