Trách nhiệm và thách thức trong vận hành liên hồ, giảm lũ cho hạ du

31/10/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 31/10, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - Trách nhiệm và thách thức”.

   
(TN&MT) - Sáng 31/10, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - Trách nhiệm và thách thức”.
   
11 quy trình vận hành liên hồ được đưa vào thực hiện trong mùa lũ 2014
   
  Hội thảo được tổ chức nhằm bàn luận và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt nhất chủ trương mới của Chính phủ về việc “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông”. Đặc biệt là, tăng cường khả năng phòng tránh lũ lụt, hạn hán cho hạ du, góp phần điều chỉnh các cơ chế chính sách vận hành liên hồ, liên quan đến lưu vực các sông trên khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
   
   
Quang cảnh Hội thảo
   
  Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 về việc phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa (gồm có 61 hồ chứa trên 11 lưu vực sông). Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và đưa vào vận hành ngay trong mùa lũ năm 2014.
   
  “Với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ và điều tiết cấp nước cho hạ du trong mùa cạn, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông trong mùa lũ hàng năm đã quy định cụ thể chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ với nhau và với các địa phương. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm của địa phương, các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình của các chủ hồ, các cơ quan liên quan. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các lưu vực sông.” - Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết.
   
  Vẫn theo ông Châu Trần Vĩnh, thay vì vận hành đơn hồ, với quy trình mới, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy tắc liên hồ. Quy trình mới đã nâng trách nhiệm của chủ hồ đối với hạ du và tăng quyền điều hành của chính quyền địa phương trong việc cắt lũ và cung cấp nước tưới cho hạ du. “Những mục tiêu ưu tiên đã có sự đảo ngược cơ bản và đặt quyền lợi của nhân dân hạ du lên trên hết, chủ hồ chỉ được quyết định vận hành trong điều kiện thời tiết bình thường, nhưng phải khống chế ở mực nước hồ không được vượt quá mực nước trước lũ.Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định việc vận hành các hồ khi dự báo có khả năng xuất hiện các tình huống gây mưa lũ.” – ông Vĩnh nói.
   
Thách thức trong vận hành liên hồ
   
  Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các quy trình vận hành liên hồ chứa đã có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tăng dung tích phòng lũ của các hồ. Tuy nhiên, ông Vỹ cũng nêu ra một số thách thức không nhỏ đối với công tác vận hành quy trình liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đó là, năng lực về quản lý, theo dõi và vận hành hồ đập tại Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa thể khắc phục ngay. Bên cạnh đó là thời gian thực hiện các Quy trình vận hành liên hồ chứa quá ít, chưa có sự chuẩn bị cần thiết từ phía các địa phương đặc biệt là thực thi trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh trong hài hòa lợi ích phát điện và dân sinh trong nhưng trận mưa, bão gây lũ lớn. Đó là chưa kể nhân lực giúp việc chính cho Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh còn thiếu, yếu, lại làm việc kiêm nhiệm, khó có thể đảm nhận tham mưu cho Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh  có thể ra những quyết định quan trọng;…
   
  Để giải quyết và hạn chế những thách thức trên, ông Nguyễn Văn Vỹ cũng đưa ra những kiến nghị như tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa các hồ, giữa các địa phương, của các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình của các chủ hồ, các cơ quan có liên quan, nhất là các lưu vực sông liên tỉnh. Ngoài ra, cần bổ sung tăng dày các trạm đo mưa, đảm bảo giám sát được toàn bộ lượng mưa của lưu vực, nhất là vùng thượng lưu hệ thống các sông và thượng lưu các hồ chứa, nhằm khống chế được lưu lượng về các hồ và lưu lượng xả xuống hạ lưu;…
   
  Ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia thủy lợi Đà Nẵng cũng cho rằng, Quy trình vận hành liên hồ chứa mới được ban hành đã đưa ra được các nguyên tắc vận hành, với các quy định tương đối cụ thể về mực nước hồ, đặc biệt là quy định mực nước cao nhất trước lũ và mực nước đón lũ của từng hồ chứa. Trong khi thực tế hiện nay, các công trình thủy điện đã được xây dựng gần như không có dung tích phòng lũ thì quy trình vận hành đã sử dụng một phần dung tích hữu ích của hồ để làm dung tích phòng lũ và cắt giảm đỉnh lũ. Đây là giải pháp dung hòa, sự chia sẻ giữa các chủ đầu tư với người dân ở hạ du.
   
  Tuy nhiên, ông Huỳnh Vạn Thắng cũng kiến nghị cần tăng cường đầu tư cho hoạt động dự báo mưa lũ ở miền Trung; tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh với các chủ dự án Thủy điện trong quá trình ra quyết định vận hành; tăng cường chất lượng và số lượng cho đội ngũ tham mưu của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh…
   
Thanh Tâm – Thúy Hằng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và thách thức trong vận hành liên hồ, giảm lũ cho hạ du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO