Trách nhiệm của các doanh nghiệp khi gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt

25/04/2016 00:00

(TN&MT) – Thời gian gần đây, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng tôi biết rằng: Hiện tượng cá chết hàng loạt đang xảy ra tại...

 

(TN&MT) – Thời gian gần đây, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng tôi biết rằng: Hiện tượng cá chết hàng loạt đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng trị, Huế, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này. Theo người dân chúng tôi nhận định, một phần nguyên nhân cá chết có thể do chất độc gây ô nhiễm môi trường được các nhà máy lén lút thải ra biển. Vậy Quý báo cho tôi hỏi, nếu thật sự các nhà máy, doanh nghiệp xả thải trái phép, gây ô nhiễm, cá chết thì các doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt ra sao?

(Dương Quảng An, tỉnh Hà Tĩnh)

Doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hai cho người có liên quan.
Doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hai cho người có liên quan.

Trả lời

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường. Vấn đề bạn đưa ra trong câu hỏi đang là vấn đề thời sự, nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận và các cơ quan chức năng và giới chuyên gia.

Nếu các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các địa phương trên là do các nhà máy, doanh nghiệp xả thải trái phép, gây ô nhiễm thì các doanh nghiệp bị phát giác sẽ không tránh khỏi trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường năm 2015: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Trong đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được hình sự hóa theo quy định tại Điều 182, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó: “1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Ngoài các mức phạt hành chính, hình sự như trên, chủ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn phải bồi thường tương ứng cho người dân bị thiệt hại dựa trên căn cứ: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của các doanh nghiệp khi gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO