Trả nợ đất dịch vụ ở Hà Nội: Có thể trả bằng tiền vì thay giao đất

28/10/2014 00:00

(TN&MT) - Tiến độ giao đất trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm và một phương án “khả thi hơn” đã được đề ra…

   
(TN&MT) - Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các quận, huyện đẩy nhanh công tác giao đất dịch vụ cho người dân nhằm ổn định trật tự xã hội và giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, tiến độ giao đất trên địa bàn vẫn rất chậm và một phương án “khả thi hơn” đã được đề ra…
   
Hết quỹ đất dự phòng
   
  Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, đến hết quý II/2014, TP. Hà Nội mới chỉ trả nợ đất dịch vụ cho 18.052 hộ dân, đạt gần 23% tổng nhu cầu. Nguyên nhân của việc này là do nhiều vị trí khu đất phải thực hiện rà soát và điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu. Các quận, huyện, thị xã đều khó khăn về nguồn kinh phí GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu ĐDV, dự kiến cần bố trí khoảng 13.290 tỷ đồng từ ngân sách.
   
   
Tiến độ giao đất trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm
   
  Bên cạnh đó, có những vướng mắc do hệ thống chính sách về giao đất dịch vụ chưa thống nhất do áp dụng nhiều quy định chính sách của các địa phương trước khi hợp nhất. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền tại địa phương còn hạn chế, chưa quyết liệt. Ngoài ra, quỹ đất dịch vụ trên toàn  thành phố  đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 314,05ha, nhưng nhiều địa phương chưa tổ chức giao cho các hộ dân. Một số địa phương khi lập quy hoạch thực hiện dự án chưa ưu tiên bố trí các khu đất dich vụ để giao cho các hộ dân bị thu hồi đất.
   
  Là một huyện có nhiều dự án lấy đất của dân, nhu cầu đất dịch vụ lớn nhưng đến nay, huyện Hoài Đức vẫn chưa giao được thửa nào cho dân.Theo UBND huyện Hoài Đức, hiện trên địa bàn huyện có hơn 13.600 hộ dân có nhu cầu đất dịch vụ với tổng nhu cầu 114ha đất.huyện đã GPMB xong 150ha đất, đã bố trí đủ tiền xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong công tác giao đất dịch vụ, huyện gặp khó khăn do chồng lấn quy hoạch các dự án đã có quyết định thu hồi đất. Trong diện tích 150ha đất đã GPMB xong, có tới 37ha vướng quy hoạch, nên chỉ còn khoảng 73ha để giao cho dân sau khi hoàn thành hạ tầng. Số diện tích đất còn thiếu, huyện sẽ rà soát, bố trí thêm ở các khu đất khác, dự kiến cần khoảng 670 tỷ đồng để GPMB.Nhưng để bố trí thêm quỹ đất trả nợ đất dịch vụ, huyện sẽ rất khó khăn khi trên địa bàn hầu như không còn quỹ đất dự phòng.
   
  Còn tại huyện Mê Linh, một trong những địa phương trả đất dịch vụ bằng tiền ngay khi hợp nhất vào thành phố Hà Nội, nhưng đến nay tiến độ trả đất dịch vụ cho người dân vẫn vướng mắc do các chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng để bàn giao cho huyện. Tính đến thời điểm này, diện tích đất dịch vụ còn lại của huyện Mê Linh phải trả cho các hộ dân khoảng 21ha và đất dịch vụ hưởng theo khẩu 9ha.
  Tại huyện Thanh Oai, trong khi tổng diện tích đất dịch vụ phải giao cho 3.614 hộ dân là 21,87ha ở 11 khu đất, thế nhưng, đến nay vẫn chưa thực hiện công tác GPMB nguyên nhân cũng do chủ đầu tư chưa tích cực trong việc phối hợp với các xã nơi có đất bị thu hồi để lập hồ sơ, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, không quyết liệt trong việc GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ mà chỉ tập trung thực hiện đối với phần diện tích để kinh doanh. Trong khi đó, địa phương gặp khó khăn về nguồn kinh phí và không có khả năng cân đối ngân sách.
   
Đề xuất trả nợ cho người dân bằng tiền thay giao đất
   
  Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, để thuận tiện cho công tác giao đất, các quận, huyện cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện ứng kinh phí, tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ. Đối với các địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, lãnh đạo địa phương đó có thể xem xét đề xuất trả nợ cho người dân bằng tiền thay giao đất dịch vụ.
   
  Liên quan đến các dự án chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng để bàn giao cho quận, huyện, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đề nghị, nếu quỹ đất phải giải phóng mặt bằng còn lại ít, các địa phương có thể tổ chức cưỡng chế theo quyết định phê duyệt, tuy nhiên hồ sơ phải làm chặt. Với các hộ dân chưa chịu nhận đất dịch vụ, các địa phương có thể căn cứ theo đơn của dân, giao cho thanh tra xử lý.
   
  Ngoài ra, UBND thành phố sẽ tiếp tục bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ, đồng thời yêu cầu các địa phương lập kế hoạch giao.
   
   
Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện phải đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển giao thông, đô thị. Đất dịch vụ là diện tích đất mà người bị thu hồi đất được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi, tùy theo quy định của từng địa phương. 
    
Trường Giang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả nợ đất dịch vụ ở Hà Nội: Có thể trả bằng tiền vì thay giao đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO