Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động

25/10/2017 00:00

(TN&MT) - Tôi vào công ty làm được hơn 1 tháng thì bị tai nạn lao động gẫy chân. Khi bị tai nạn tôi chưa được công ty đóng bảo hiểm. Số tiền chi phí cho việc phẫu thuật chân khá lớn, gia đình tôi lại thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên, công ty chỉ hỗ trợ gia đình tôi 5 triệu. Công ty nói, tôi chỉ là lao động hợp đồng ngắn hạn (hợp đồng 6 tháng) nên không được đóng bảo hiểm, vì vậy số tiền hỗ trợ chỉ được 5 triệu. Xin hỏi, công ty làm như vậy có đúng không?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định về đóng bảo hiểm xã hội:

Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nếu đã ký hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên với người lao động, thì có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về BHXH.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Theo Điều 38 Luật An toàn – Vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

“1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này”.

Từ những quy định trên nhận thấy, việc công ty chỉ hỗ trợ gia đình bạn 5 triệu đồng trong khi chi phí điều trị tai nạn lao động của bạn rất lớn là sai quy định. Do bạn chưa được đóng bảo hiểm y tế nên công ty phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế liên quan đến vụi tai nạn. Hơn nữa, công ty phải trả lương và bồi thường cho bạn theo đúng quy định của pháp luật.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO