(TN&MT) - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM đang "khát vốn" cho đầu tư hạ tầng đô thị, nhưng ngân sách Trung ương chỉ cấp phát hạn chế. Trong khi đó, việc giải ngân vốn của một số dự án diễn ra chậm. Với thực trạng Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm trễ vì không được cấp vốn đầy đủ, điều này không chỉ gây phiền toái đến người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TPHCM.
Đói vốn triền miên
Dự án tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TPHCM, tổng vốn 2,49 tỷ USD) dài gần 20km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó, công trình có khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Công trình khởi công từ tháng 8/2012 với tốc độ khá nhanh, được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng trước vào năm 2018 phần 17km đường trên cao, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, dự án này đang có khả năng ngưng thi công và không kịp hoàn thành theo tiến độ vì đang thiếu tiền và nợ tiền nhà thầu.
Tại cuộc họp với UBND TPHCM mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tính từ tháng 9/2016 đến nay, việc giải ngân vốn ODA cho các nhà thầu không được thực hiện do Trung ương không giao bổ sung kế hoạch vốn ODA năm 2016 và chưa giao kế hoạch vốn năm 2017.
![]() |
"Đối với những khó khăn về kế hoạch vốn ODA năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM nhiều lần có văn bản giải trình, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng như Thủ tướng, nhưng đến nay vốn ODA năm 2017 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa được bố trí”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại cuộc họp.
Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, theo đề xuất của Bộ KH-ĐT tại tờ trình của Bộ này gửi Thủ tướng vào tháng 3/2017, dự kiến phân bổ kế hoạch vốn ODA năm 2017 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 là 2.119 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu giải ngân cần tới 5.422 tỷ đồng. Như vậy, số vốn ODA dự kiến bố trí năm 2017 chỉ mới đáp ứng gần 50%.
Tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, vốn phân bổ cho dự án tuyến metro số 1 đã bị chậm. Một số nhà thầu buộc phải kéo giãn tiến độ thi công vì chủ đầu tư nợ đọng chưa trả tiền cho các hạng mục thi công xong. Theo ông Quang, vấn đề lớn nhất của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hiện nay là phân bổ vốn từ Trung ương. Từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi vì đã thanh toán vượt vốn ODA của năm 2016.
"TPHCM đang thúc nhà thầu sớm hoàn thành tiến độ dự án càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt, nhưng họ cũng gay gắt trong việc yêu cầu thanh toán theo đúng tiến độ. TPHCM cũng kiến nghị Trung ương nhưng hầu như các bộ không có động thái gì", ông Lê Nguyễn Minh Quang nói.
![]() |
Được biết, trong năm 2017, tuyến metro số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng - chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của TP. Bởi trước đó, TPHCM ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân.
Theo ông Quang, khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nói thẳng "trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán". Mục tiêu mà TPHCM theo đuổi hiện nay không phải là từng đợt phân bổ vốn, mà là xin cơ chế thanh toán theo tiến độ thi công dự án. Các nhà tài trợ rất bức xúc cho rằng tiền họ lo được nhưng chúng ta bị vòng luẩn quẩn và không thanh toán được.
Được biết, trong văn bản vừa được UBND TPHCM gửi Bộ KH-ĐT về tình hình thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn vay ODA trên địa bàn TPHCM, chỉ tính riêng hai dự án lớn có sử dụng vốn ODA là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, TPHCM kiến nghị được bố trí 7.000 tỷ đồng cho năm 2017, nhưng Bộ KH-ĐT dự kiến chỉ phân bổ 3.500 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, vốn ODA dự kiến bố trí theo đề xuất của Bộ KH-ĐT như trên không đáp ứng nhu cầu giải ngân của hai dự án. Hiện một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị giãn tiến độ thi công và có thể sẽ dừng thi công nếu tiến độ giải ngân vẫn tiếp tục chậm trễ như hiện nay.
Cùng tháo gỡ điểm nghẽn
Trong phiên thảo luận tại tổ của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 24/10, đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho biết, TPHCM ra quyết định đầu tư dự án metro Bến Thành - Suối Tiên theo hai lần ủy quyền của Thủ tướng (năm 2007 và 2011) và theo Quyết định của Quốc hội. Sở dĩ tổng vốn của dự án tăng lên là do tăng tổng lượng đầu tư, đoạn đường dài hơn và tỷ giá VNĐ với ngoại tệ từ năm 2007 đến năm 2011 khác đi. Thời điểm năm 2007, công nghệ tính toán đáp ứng cho năm 2020 nhưng đến năm 2011 quyết định đầu tư đáp ứng công nghệ đến năm 2040, phải thay đổi công nghệ và đầu tư thêm nhiều trạm bảo trì, bảo hành các toa tàu và nhà ga. Khối lượng đầu tư tăng thì vốn đầu tư tăng lên là bình thường.
Theo phân tích của đại biểu Phạm Phú Quốc, khi đặt vấn đề vốn vay từ Chính phủ thì đụng trần nợ công, vốn vay của chính quyền địa phương thì đụng trần huy động. Tính toán cơ chế nào đều phải “đụng” và đa phần vốn vay để trả nợ gốc, nợ trước đây cho nên vốn khả dụng khi đi vay mới rất ít dành cho đầu tư phát triển.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, tuyến metro này chậm sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA vào quốc gia, chứ không riêng TPHCM. Vấn đề này không phải không tháo gỡ được. Cần soát xét lại các điểm nghẽn để tháo gỡ.
![]() |
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, vấn đề lớn nhất mà dự án đang vướng là Bộ GT-VT và TPHCM phải xem lại phê duyệt điều chỉnh dự án. TP đã phê duyệt rồi, nhưng ai là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh này. Bên cạnh đó, phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và TP cấp bao nhiêu cho số vốn 30.000 tỷ đồng tăng thêm của dự án. Dự án lúc đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định thì dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội. Thống nhất được những vấn đề này, Bộ KH-ĐT mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này, chứ không theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính. Nhận trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong việc thiếu đôn đốc các bên, song Bộ trưởng cho rằng cả TPHCM và Bộ GT-VT đều có trách nhiệm liên quan. Bộ trưởng cho rằng do cách hiểu chưa đúng nên TPHCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn. Bộ GT-VT thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát. Báo cáo công trình trọng điểm hàng năm Bộ KH-ĐT vẫn đưa dự án vào nhưng thực tế chưa ai phê duyệt.
Bộ KH-ĐT đã rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho dự án trong thời gian tới, tinh thần là rất khẩn trương, nhưng còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan. Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên hiện chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn vì chưa được phê chuẩn, nên chưa thể có cơ chế thỏa thuận cấp phát và vay lại. Nguồn vốn thì có, phía Nhật đã chuyển, nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì phải xử lý. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các bộ, ngành sẽ ngồi lại với nhau, làm cho rõ, có giải pháp xử lý để công trình hiệu quả, không ảnh hưởng đến tiến độ và đến nhà tài trợ.
Ngày 6/11, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục hỗ trợ giải ngân để hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP, nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1). Với nỗ lực đảm bảo tiến độ dự án đặc biệt quan trọng này, TPHCM đã 3 lần phải tạm ứng vốn ngân sách với tổng số tiền 2.300 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu metro số 1 trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương. Về lý do đưa ra đề nghị, theo UBND TPHCM, do kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2017 phân bổ cho các dự án của TPHCM không đủ để thanh toán cho khối lượng hoàn thành trên công trường, dẫn đến nguy cơ đình trệ dự án. UBND TPHCM cho biết trong khi chờ Bộ KH-ĐT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2017 cho dự án và để đạt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020, UBND TP đã tiếp tục tạm ứng vốn để giải quyết khó khăn cho dự án. UBND TPHCM cam kết chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm soát thanh toán chặt chẽ, đảm bảo không thanh toán trùng lắp và không làm tăng chi phí ngân sách nhà nước, thực hiện hoàn trả tạm ứng cho ngân sách TP ngay sau khi có kế hoạch vốn từ ngân sách Trung ương; không phát sinh các rủi ro về thanh toán cũng như làm tăng chi phí dự án. |
Bài, ảnh: Thục Vy