TP. Sông Công (Thái Nguyên): Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

28/02/2018 08:57

(TN&MT) - Thành phố Sông Công là trọng điểm của sản xuất công nghiệp nặng ở Thái Nguyên. Hoạt động công nghiệp dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người lao động. Ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND TP. Sông Công khẳng định, không vì phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào để phải đánh đổi môi trường, điều đó hậu quả sẽ không thể lượng hóa hết được.

2
Thành phố Sông Công không ngừng phát triển với hàng loạt các cơ sở, khu công nghiệp, đô thị khang trang.
 
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường là nội dung ưu tiên hàng đầu của thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) trong tiến trình hội nhập, phát triển. Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết HĐND thành phố Sông Công khóa VII kỳ họp thứ 3 về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; Trong đó tập trung vào phát triển kinh tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phát triển Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ; tăng thu ngân sách, tăng cường nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 cơ bản thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
 
3
 
 
Năm 2017, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ ổn định. Tuy còn gặp khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bằng nhiều giải pháp đã phấn đấu vượt qua khó khăn chung để phát triển sản xuất kinh doanh. Khối các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng trưởng khá, các doanh nghiệp dân doanh đang có những tín hiệu phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì củng cố sản xuất, tìm hiểu, khai thác thêm thị trường mới, nên giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố duy trì phát triển và tăng so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn  đạt 5.771,4 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 3.259 tỷ đồng, bằng 122% so với kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.
 
1 (1)
Năm 2017, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn  đạt 5.771,4 tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội nên quy hoạch bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phát triển bền vững.
 
UBND thành phố Sông Công đã phối hợp rất tốt với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển khai các QĐ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Sông Công  II và Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 1, diện tích 180ha và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho dự án. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên lập hồ sơ hiện trạng, tổ chức công bố quy hoạch và cắm mốc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu Công nghiệp Sông Công II.
9
 
Hiện nay, tại KCN Sông Công các nhà máy, công xưởng hoạt động từ năm 2001 nhưng đến nay đều đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhà máy xử lí nước thải công nghiệp ở Sông Công đã đi vào hoạt động đều đặn đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đến 2020, thành phố Sông Công giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các KCN và CCN, khu đô thị, khu du lịch, khu khai khoáng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các KCN và CCN và chú trọng có trọng điểm trong quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, KCN và CCN bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường. Cụ thể: 90% chất thải rắn đô thị ở thành phố Sông Công; 70% chất thải rắn đô thị ở các xã, phường, 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý hợp vệ sinh; 100% các KCN và CCN, 80% các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải…
9
TP.Sông Công tập trung phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
 
Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; theo dự báo tình hình kinh tế trong nước và của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thuận lợi và khó khăn đan xen, đồng thời là năm thành phố xác định quyết tâm cao để phấnđấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu cao của các ngành, các cấp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
 
Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6.750 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương phấn đấu đạt: 3.810 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017; Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 56 triệu đồng/người/năm; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 245 tỷ đồng.
 
Để cụ thể hóa mục tiêu, trước hết, TP Sông Công đã xây dựng và ban hành chính sách chung về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải, phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, xử lý chất thải và xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia quản lý bảo vệ môi trường. Song song với việc ban hành chính sách, TP Sông Công tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân./.
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Sông Công (Thái Nguyên): Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO