TP Pleiku: Thu hồi đất nhưng không bồi thường?

22/09/2015 00:00

(TN&MT) - 10 năm sau khi nhận đất cấp theo Quyết định 132, 134 của Chính phủ vào năm 2005, 1.309 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) bỗng nhiên bị thu hồi lại đất. Chủ trương thu hồi nhưng không có bồi thường, hỗ trợ của UBND tỉnh Gia Lai khiến hầu hết người dân không đồng tình. Hơn thế, trong quá trình triển khai thu hồi đất còn lộ ra nhiều bất cập từ chính sách nhân văn này.

Giao bìa đỏ nhưng không giao đất!

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 132 và 134/2002/QĐ-TTg về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên và chính sách trợ giúp về nhà ở cho các hộ đồng bào thiểu số nghèo Tây Nguyên đến năm 2006. Thực hiện Quyết định 132, 134 của Chính phủ, năm 2005, UBND tỉnh Gia Lai tiến hành cấp 60 ha đất cho 1.309 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 xã, phường của TP. Pleiku là xã Chư Á, xã Biển Hồ, xã Tân Sơn, phường Hoa Lư, phường Thắng Lợi. Diện tích đất được cấp nằm trong khoảng từ 300 – 900 m2/hộ. Khi bàn giao đất, bà con được nhận luôn Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất cấp. Những tưởng được cấp đất, bà con sẽ có đất canh tác, sản xuất, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Thế nhưng 10 năm sau, vào tháng 3/2015, khi UBND thành phố Pleiku có chủ chương thu hồi toàn bộ số đất trên để mở rộng khu công nghiệp mới lộ ra nhiều vấn đề.

Thực tế, nhiều hộ dân được cấp đất, cầm trong tay Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại không biết lô đất của mình nằm ở đâu. Ông A Khít - Trưởng thôn làng Mơ Nú (xã Chư Á) cho biết: “Cán bộ địa chính Ủy ban xã không giao đất tận tay nhân dân nên nhân dân không biết đất ở đâu để làm. Người dân  nói chung là thiếu đất canh tác nhưng vẫn cứ chờ. Chờ cho tới bây giờ, Nhà nước lại đòi thu hồi đất mà không có bồi thường, hỗ trợ. Làm như vậy chúng tôi không đồng tình”.

Lô đất cấp cho người đồng bào dân tộc thiểu số sau 10 năm vẫn là đất trống
Lô đất cấp cho người đồng bào dân tộc thiểu số sau 10 năm vẫn là đất trống

Theo nhiều người dân, sau khi giao sổ đỏ cho bà con, UBND xã Chư Á đã đề nghị người dân cho doanh nghiệp thuê lại toàn bộ diện tích đất được cấp trong thời gian 2 năm với giá 2 triệu đồng. Số tiền này được bỏ vào Quỹ an ninh quốc phòng của các thôn, làng. Tuy nhiên, sau thời hạn 2 năm tới nay, cán bộ địa chính xã vẫn chưa tiến hành bàn giao đất thực địa cho dân.

Còn đối với các hộ dân được bàn giao thực địa và đã canh tác trên đất, hiệu quả cũng chẳng đến đâu. Bà Siu Hiệp, ở làng Tiêng 1 (xã Tân Sơn) cho hay, gia đình bà được cấp gần 500 m2 đất. Ngay sau khi nhận đất, gia đình bà cùng hơn chục hộ dân trong làng tiến hành xuống giống mì trên lô đất mới được cấp. Tuy nhiên, vì chất đất quá xấu, nguồn nước lại ở xa nên mì không thể phát triển được. “Ban đầu, mì lên rất đẹp, rất xanh, nhưng được 1 - 2 tháng là chết hàng loạt. Sau đó, tôi đã phá mì và chuyển sang trồng bời lời, nhưng cũng thất bại. Dân làng thấy vậy, không ai trồng gì nữa. Từ đó tới nay, phần đất cấp bị bỏ hoang”, bà Hiệp nói.

Lộ nhiều bất cập

Ông Phạm Phụng - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, khu đất hơn 60 ha TP. Pleiku cấp cho người dân theo Quyết định 132, 134 vốn là đất trồng tràm và keo từ hàng chục năm trước nên đã bạc màu, nghèo nàn dinh dưỡng. Ở đây, cũng chưa có đường điện và nguồn nước nên việc canh tác là rất khó khăn. Năm 2005, sau khi bà con được cấp đất, chính quyền xã Biển Hồ đã hỗ trợ kinh phí, mua 10 nghìn cây xoan đào giống cấp cho người dân nhưng vẫn không có hiệu quả.

“Xoan đào là giống cây dễ sống, chịu hạn tốt. Vậy nhưng trồng được 1 - 2 năm sau, toàn bộ 10 nghìn cây xoan cấp cho người đồng bào dân tộc thiểu số trồng đều bị chết hết. Đất này hết sức bạc màu, mùa mưa thì cây sống, mùa nắng thì chậm phát triển. Nguồn nước không có, chỉ có một con suối cách đó chừng 3km, với diện tích đất không lớn, người dân không thể đầu tư được đường ống và máy bơm”, ông Phụng nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Trường – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, việc người dân không biết đất mình được cấp nằm ở đâu là do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân chưa tốt. “Tôi nghĩ đất cấp hoàn toàn có thể sản xuất được. Việc người dân bỏ hoang, không canh tác có thể là do trình độ của người đồng bào dân tộc thiểu số không cao hoặc thiếu vốn để đầu tư canh tác”, ông Trường nói.

Không biết đất nằm ở chỗ nào hoặc có đất nhưng không thể canh tác vì không có hiệu quả, nhiều người dân tự ý sang nhượng đất, bán sổ đỏ bằng giấy viết tay. Điển hình tại xã Chư Á, có đến 555/725 bìa đỏ đã được bán sang tay người khác. Còn tại xã Tân Sơn, trong 103 hộ được cấp đất thì có đến 31 hộ đã sang nhượng. Tính đến tháng 3/2015, khi TP. Pleiku triển khai Quyết định thu hồi toàn bộ 60 ha đất cấp theo Quyết định 132, 134 để phục vụ dự án mới là “Mở rộng Khu công nghiệp Trà Đa”, đã có tới hơn 700/1.309 hộ dân chuyển nhượng đất bất hợp pháp. Điều này khiến công tác xác minh, thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, với chủ trương của tỉnh Gia Lai là thu hồi nhưng không bồi thường, hỗ trợ khiến nhiều hộ dân không đồng tình, đặc biệt là những hộ vẫn còn giữ sổ đỏ. Ông A Khít thay mặt người dân làng Mơ Nú bộc bạch: “Theo nguyện vọng của đa số người dân làng Mơ Nú, khi thu hồi đất, Nhà nước phải cấp cho chúng tôi một lô đất khác hoặc cũng phải có hỗ trợ bằng tiền”. Còn tại một số xã khác, người dân lại yêu cầu tỉnh Gia Lai khi thu hồi đất cần có hỗ trợ bằng một con bò, giá trị khoảng 20 – 25 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Trường khẳng định: “Quyết định cấp đất đã nêu rõ, trong vòng 10 năm, người dân không được phép chuyển nhượng. Theo quy định, đất cấp nhận trong 18 tháng mà người dân không canh tác Nhà nước có quyền thu hồi lại mà không có bồi thường. Cho nên, hiện tại chủ trương của tỉnh vẫn là thu hồi và không có hỗ trợ gì thêm. Đối với các hộ đã chuyển nhượng bìa đỏ, tỉnh yêu cầu địa phương tổ chức kiểm điểm cá nhân trên. Những người đã mua sổ đỏ bằng giấy viết tay, không có xác nhận của cơ quan chức năng phải tự chịu trách nhiệm. Bởi khi hết thời hạn thu hồi, toàn bộ bìa đỏ đó sẽ bị hủy và không còn giá trị”.

Như vậy, quyết định cấp đất để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai của Chính phủ từ một chính sách nhân văn lại lộ nhiều bất cập trong khi triển khai, khiến hiệu quả mang lại không cao. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Gia Lai cần có phương án thích hợp hơn khi thu hồi diện tích đất này để nhận được sự đồng tình của người dân.

Bài và ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Pleiku: Thu hồi đất nhưng không bồi thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO