TP. Hưng Yên: "Mập mờ" đền bù GPMB

24/09/2016 00:00

(TN&MT) - Theo phản ánh của các hộ dân nhận đấu thầu đầm tại xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên thì Dự án nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua...

(TN&MT) –  Vừa qua, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường nhận được Đơn kêu cứu của 8 hộ dân xã Tân Hưng,  (TP. Hưng Yên – tỉnh Hưng Yên) bức xúc khi cho rằng UBND TP. Hưng Yên trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng Dự án nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua TP. Hưng Yên đã cố tình mập mờ thông tin về dự án và bồi thường không thỏa đáng. Không những vậy, người dân khi tìm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các đơn vị này lại né tránh tiếp xúc với người dân.
 
Ông Bùi Văn Uớc bức xúc về việc giá bồi thường và nhiều cây ăn quả chính không được hỗ trợ
Ông Bùi Văn Uớc bức xúc về việc giá bồi thường và nhiều cây ăn quả chính không được hỗ trợ
 
Theo phản ánh của các hộ dân nhận đấu thầu đầm tại xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên (Hưng Yên) thì việc bồi thường GPMB tại Dự án nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua TP. Hưng Yên thiếu sự minh bạch, giá cả bồi thường không thỏa đáng. Đồng thời, các hộ dân yêu cầu cơ quan chức năng sớm công bố giá đất tái định cư, cũng như lộ trình bàn giao đất tái định cư để họ sắp xếp ổn định cuộc sống sau khi giao mặt bằng đất cho dự án.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Ước, người đứng tên trong Đơn kêu cứu, bức xúc nói: “Năm 1995, gia đình tôi nhận thầu khoán của UBND xã Tân Hưng, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (nay là xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) một thửa đất đầm có diện tích 2.700m2 và đã trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 50 năm. Sau đó, gia đình đầu tư tiền của để vượt lập đất từ ngoài và đắp cao thêm 2,5m (ước tính khoảng 10.000m2 với giá 10.000/m2 tính theo giá tại thời điểm đó) để phát triển kinh tế theo đúng chủ trương khi nhận giao khoán đất. Do là đất nhận khoán lâu năm nên gia đình tôi đã sử dụng trồng nhãn, các loại cây ăn quả và mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng. Nay GPMB để triển khai Dự án, không hiểu sao các cơ quan chức năng chỉ bồi thường 30% giá trị nhà tôi đang ở, hỗ trợ  52.000 đồng/ 1 m2  đất, còn cây cối trên đất được hỗ trợ 50%. Nhiều cây đang cho thu hoạch như: cau, nhãn, ổi.. được cho vào diện trồng vượt mật độ nên không được bồi thường. Với việc áp mức giá đền bù thấp như vậy thì gia đình tôi không biết phải sống như thế nào khi nhận số tiền đề bù mà công ăn việc làm không có, nguồn thu nhập không còn”.
 
Biên bản giao khoán đầm cho ông Bùi Văn Ước.
Biên bản giao khoán đầm cho ông Bùi Văn Ước.
 
Cũng câu chuyện đền bù không thỏa đáng, mập mờ thiếu thông tin… về đất đầm, ông Nguyễn Văn Việt, một người dân khác có ý kiến: Gia đình ông nhận thầu đất đầm 50 năm để làm kinh tế VAC đã được các chính quyền các cấp cho phép. Khi gia đình trồng cây không có ban ngành, cơ quan, chính quyền hướng dẫn phổ biến về mật độ cây. Nay thu hồi, đền bù cây trồng, UBND TP. Hưng Yên lại áp giá đền bù cây cối theo mật độ cây trồng là không hợp lý. Theo ông Việt: Với cách tính như vậy, gia đình ông và các hộ đấu thầu đầm khác bị thiệt thòi nhiều. Bởi những cây cho thu hoạch chính, lại nằm ngoài mật độ cho phép nên không được đền bù.
 
Đem theo những thắc mắc của các hộ dân, PV đã có buổi làm việc với ông Cao Cường - Chánh văn phòng UBND TP. Hưng Yên, ông Cường cho biết: Việc các hộ dân đấu thầu đầm trong diện GPMB thắc mắc là đúng, chính quyền thành phố đang xem xét chính sách đền bù phù hợp cho các hộ trên cơ sở đúng các quy định. Hiện nay, giá đền bù đã có quy định của Nhà nước. Thành phố đang đề nghị tỉnh Hưng Yên đền bù người dân hợp lý, để các hộ đỡ thiệt.
 
Tuy nhiên, Thông báo số 1412/TB – UBND tỉnh Hưng Yên ngày 05/8/2016 về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Hưng Yên tại buổi đối thoại trực tiếp với các hộ bị thu hồi đất lại có nội dung “khác” với câu trả lời của ông CVP TP. Hưng Yên. Đó là: Diện tích đất các hộ gia đình nhận thầu là đất “Đầm” (loại đất được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản) thì phải sử dụng đúng mục đích được giao. Đến thời điểm này đã xác định được diện tích các hộ gia đình trong diện nhận thầu nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Các hộ đều vượt lập để trồng cây, là tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bài & ảnh: Phạm Hoàng 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hưng Yên: "Mập mờ" đền bù GPMB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO