Tham gia hội thảo có lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, JICA và đại diện các Sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về phương pháp tiếp cận, phương pháp đo đạc, kiểm tra, quản lý, giám sát, đánh giá nhằm tạo cơ sở khoa học vững chắc và tính khả thi của từng hoạt động cụ thể cấp thành phố trong giai đoạn 2018 - 2019.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động về BĐKH với ưu tiên trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn; thí điểm sử dụng hiệu quả năng lượng cho tòa nhà; Tiếp tục triển khai hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông; Thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố.
Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố trong việc giảm nhẹ phát thải KNK và công tác đo đạc, báo cáo và thẩm tra, đồng thời, kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong thành phố.
TS Masato Kawanishi, cố vấn cao cấp của JICA đánh giá cao sự hợp tác của Cục BĐKH và Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh trong việc tổ chức triển khai dự án SPI-NAMA. Ông Masato kì vọng quan hệ hợp tác này sẽ tiến xa hơn bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần từng bước hoàn thiện công tác quản lý, giám sát các hoạt động về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề xuất Sở TN&MT TP Hồ chí Minh cần gợi mở các chính sách liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK ở thành phố; làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của các doanh nghiệp trong việc tham gia cắt giảm phát thải KNK, trách nhiệm đo đạc, giám sát, đánh và quản lý giảm nhẹ phát thải KNK như thế nào.…
Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục BĐKH cho biết, trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), theo đó đến năm 2030 Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên đến 25% khi nhận được hỗ trợ thông qua hợp tác song phương, đa phương. Để thực hiện được cam kết nêu trên, đòi hỏi sự có sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, từ TW đến địa phương trong việc xây dựng, triển khai các chính sách liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK, tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ phát thải KNK cũng như tiếp tục huy động các nguồn lực từ khối tư nhân cũng như từ các tổ chức quốc tế.
Phó Cục trưởng Trương Đức Trí cũng cho biết, Bộ TN&MT - Cơ quan quản lý nhà nước về BĐKH đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định lộ trình và phương thức cắt giảm phát thải KNK quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự kiến, sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, các nội dung như lộ trình, phương thức cũng như các quy định liên quan như chế độ báo cáo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia, cấp lĩnh vực, cấp ngành... sẽ được quy định rõ ràng, minh bạch.
Trong thời gian tới, Cục BĐKH, Bộ TNMT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, chính sách và nâng cao năng lực cho cấp địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh nhằm từng bước thực hiện hiệu quả lộ trình và phương thức cắt giảm phát thải KNK.
Dự án SPI-NAMA do Bộ TNMT chủ trì, hỗ trợ bởi JICA đã bắt đầu triển khai từ năm 2015 và thí điểm giảm phát thải khí nhà kính ở TP Hồ chí Minh - một trong những địa phương đầu tầu kinh tế của cả nước. Kết quả đạt được là xây dựng và thực hiện được một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải KNK; từng bước hoàn thiện các hướng dẫn về kiểm kê phát thải KNK, trọng tâm là xây dựng quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) cho một số lĩnh vực chủ yếu của TP Hồ Chí Minh. |