TP.Hồ Chí Minh: Tập trung triển khai hiệu quả phân loại rác tại nguồn

31/05/2017 00:00

(TN&MT) - Kế hoạch phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017-2020  mới được UBND TP.HCM ban hành với việc triển khai phân loại rác tại nguồn ở tất cả 24 quận,...

 

(TN&MT) - Kế hoạch phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017-2020  mới được UBND TP.HCM ban hành với việc triển khai phân loại rác tại nguồn ở tất cả 24 quận, huyện đã đánh dấu một bước phát triển trong công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong quy trình quản lý tổng hợp chất thải rắn hiện đại thì phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là một khâu quan trọng, dù áp dụng công nghệ xử lý nào thì nếu thực hiện được phân loại sẽ tăng hiệu quả xử lý, tiết kiệm chi phí, giảm phát sinh ô nhiễm, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng...Điều này càng có ý nghĩa đối với đặc thù thành phần rác thải của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chủ yếu là hữu cơ, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.

Thùng rác thông minh được chia thành 2 ngăn chứa rác hữu cơ và rác còn lại tại phố đi bộ Nguyễn Huệ giúp người dân và du khách dễ dàng thực hiện phân loại rác tại nguồn
Thùng rác thông minh được chia thành 2 ngăn chứa rác hữu cơ và rác còn lại tại phố đi bộ Nguyễn Huệ giúp người dân và du khách dễ dàng thực hiện phân loại rác tại nguồn

Chính vì vậy, từ những năm 1988, TP.HCM đã tiếp cận công tác PLRTN thông qua các dự án nhỏ của các tổ chức phi chính phủ nhằm tạo thói quen và hình thành ý thức của người dân về PLRTN. Đầu những năm 2000, công tác PLRTN được triển khai tiếp tục tập trung ở khâu phân loại tại hộ gia đình với qui mô nhỏ lẽ nhằm đánh giá khả năng tham gia của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ từ khâu thu gom tại nguồn và vận chuyển rác sau phân loại chưa được thành phố đầu tư.

 Đến năm 2015, từ kết quả triển khai phân loại của một cụm dân cư tại phường Bến Nghé ( quận 1) trong khuôn khổ hợp tác của TP. Osaka – Nhật Bản, Thành phố đã triển khai thí điểm tại các quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh với các qui mô khác nhau (cụm dân cư, tuyến đường, chung cư, một phường) với sự đồng bộ từ phân loại, thu gom và vận chuyển.

Theo đó, quận 1 thí điểm tại 1 khu dân cư với 176 hộ dân, đạt 70-78%; quận 3 thí điểm tại 2 tuyến đường với 639 chủ nguồn thải, đạt 50%; quận 5 thí điểm tại 03 chung cư, đạt 30%;  quận 6 thí điểm tại toàn Phường 12 với hơn 6000 chủ nguồn thải, đạt 23,7%; quận 12 thí điểm ở 1 cụm dân cư với 191 hộ dân, đạt 93-95%; quận Bình Thạnh thí điểm ở cụm dân cư với 100 hộ dân kết hợp với 01 chung cư, đạt 70-80%.

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sau phân loại tại nguồn trên địa bàn quận 1
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sau phân loại tại nguồn trên địa bàn quận 1

Theo đánh giá của Sở TN&MT, qua quá trình triển khai thí điểm cho thấy: người dân chưa chủ động phân loại CTRTN mà còn phụ thuộc nhiều vào công tác tuyên truyền, khi giảm tần suất tuyên truyền thì tỷ lệ người dân thực hiện phân loại sẽ giảm. Do thực hiện chưa đồng bộ toàn khu vực nên có sự so sánh giữa các hộ dân có và không có tham gia phân loại rác. Hiện nay, UBND  phường, xã chưa quản lý được lực lượng rác dân lập nên việc điều phối lực lượng để tham gia chương trình gặp khó khăn, một số đường dây rác dân lập miễn cưỡng tham gia và không thực hiện đúng các hướng dẫn về thời gian thu gom, tần suất thu gom và không tổ chức thu gom riêng biệt chất thải sau khi phân loại,...

 Ngoài ra, khối lượng chất thải rắn thực phẩm sau khi phân loại từ mô hình thí điểm khá ít do đó để đảm bảo hiệu quả kinh tế khi vận chuyển (đủ tải trọng của phương tiện vận chuyển), chất thải rắn thực phẩm sau khi được phân loại được thu gom kết hợp với rác chợ  (mặc dù thành phần chủ yếu là chất thải hữu cơ nhưng vẫn là chưa phân loại) để vận chuyển đến khu xử lý, việc này làm giảm hiệu quả phân loại của chương trình.

Để thực hiện hiệu quả chương trình phân loại CTRTN một cách đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố, ngày 18/4/2017, UBND TP.HCM  đã ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND về  Kế hoạch phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017-2020. Theo  đó,  TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện toàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố.

 Điểm nổi bật của Kế hoạch này là UBND Thành phố đã giao cho UBND 24 quận, huyện chủ động trong việc triển khai PLRTN trên địa bàn (chủ động đăng ký phạm vi, đối tượng thực hiện qua từng năm; chủ động rà soát, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng rác dân lập, chủ động lựa chọn phương thức thu gom phù hợp với địa phương...).

Về tiến độ triển khai Kế hoạch, năm 2017, Thành phố sẽ  tập trung tuyên truyền  ý nghĩa, lợi ích  của việc phân loại CTRTN đến từng người dân, hộ dân. Tiếp tục nâng chất và đảy mạnh  triển khai  phân loại CTRTN  cho các cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện,  các khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư, chợ…Các đối tượng hộ dân tại quận 1,3,5,6,12, Bình Thạnh tiếp tục  duy trì và mở rộng phạm vi phân loại CTRTN với quy mô  ít nhất 02 phường; các quận huyện còn lại  tùy điều kiện của địa phương có thể tiến hành phân loại tại ít nhất 01 phường, xã.

Năm 2018: Đúc kết kinh nghiệm, kết quả thực hiện trong năm 2017; quận, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất  lượng và mở rộng  đối tượng, phạm vi triển khai. Trong đó, quận 1,2,3,5,6,7,12, Bình Thạnh triển khai  ít nhất 05 phường; các quận, huyện còn lại triển khai ít nhất 03 phường, xã. Phấn đấu đạt tỷ lệ  phân loại trên 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân  tại các phường, xã đang triển khai thực hiện đúng  phân loại CTRTN.

Giai đoạn 2019 – 2020: UBND quận, huyện tiếp tục  nâng chất và đảy mạnh  đối tượng, phạm vi triển khai phân loại CTRTN, đảm bảo đến hết năm 2020, tất cả các quận, huyện hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRTN.

Nguyễn Thanh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Tập trung triển khai hiệu quả phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO