TP.Hồ Chí Minh: Tập trung giảm tình trạng ngập nước

22/05/2014 00:00

(TN&MT) - TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành chỉ tiêu xóa 11 điểm ngập còn lại và 3 điểm tái ngập trong giai đoạn năm 2014 – 2015.

(TN&MT) - Trong năm 2014 – 2015, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành chỉ tiêu xóa 11 điểm ngập còn lại và 3 điểm tái ngập trong giai đoạn năm 2014 – 2015. Tiếp tục theo dõi quản lý, kiểm soát các điểm ngập do mưa đã được xóa nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái ngập; hạn chế phát sinh các điểm ngập mới và bố trí đủ vốn cho các công trình để thực hiện mục tiêu xoá căn bản, bền vững cho 58 điểm ngập trong chương trình 5 năm.
   
  Đồng thời, phấn đấu hoàn thành các chương trình đề án liên quan đến quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch.
   
3 nhóm giải pháp chính
   
  Trong thời gian tới,  để giảm tình trạng ngập nước, TP.HCM sẽ triển khai 3 nhóm giải pháp chính về quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình chống ngập.
   
  Theo lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM, với tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu không lường trước được, mức độ ảnh hưởng do ngập sẽ tác động gây thiệt hại đô thị ngày càng trầm trọng. Để giải quyết ngập cho thành phố, bên cạnh công tác phát triển hệ thống thoát nước, việc tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cống kiểm soát triều, xây dựng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn theo quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng 1547 cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới.
   
TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp về hạ tầng để giảm tình trạng ngập nước
    
   
  Với đặc điểm địa hình tự nhiên là nền đất thấp, hệ thống thoát nước của thành phố bị ảnh hưởng nhiều bởi thuỷ triều nên việc nghiên cứu giải pháp quy hoạch, tích hợp, ứng phó biến đổi khí hậu với mục tiêu giữ đất trữ nước là giải pháp căn cơ để giải quyết thoát nước cho thành phố. Trong đó, cần rà soát, thống kê diện tích cây xanh, kênh rạch, mặt nước hiện có và theo quy hoạch chi tiết 1/2000 để từ đó xây dựng tiêu chí về vùng đệm, hồ điều tiết,…làm cơ sở để quản lý và xây dựng định hướng quy hoạch cho thành phố.
   
  Nhu cầu cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của thành phố còn rất lớn;hiện chỉ đáp ứng được 60% theo quy hoạch tổng thể thoát nước; thiếu hơn 2.500km cống và trong thời gian qua chỉ thực hiện được 45% kế hoạch.  Định hướng đầu tư xây dựng trong thời gian tới cần thực hiện các công trình chống ngập theo thứ tự ưu tiên sau: Nhóm công trình cống kiểm soát triều và đê bao thuộc quy hoạch thuỷ lợi, chống ngập úng 1574; nghiên cứu xây dựng các hồ chứa, điều tiết nước ở hạ lưu; xây dựng tuyến cống cấp 3, cấp 2 theo cao độ quy hoạch có tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu.
   
  Đồng thời, thành phố sẽ  tổ chức  duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước đúng trọng điểm để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp lấn chiếm sông kênh, rạch và hệ thống thoát nước; đảm bảo hành lang bảo vệ để phục vụ công tác duy tu, nạo vét. Trước mắt, rà soát triển khai thực hiện ngay việc nghiên cứu cải tạo các hồ cảnh quan, diện tích mảng xanh thành hồ có chức năng điều tiết nước mưa: công viên Gò Dưa (28ha), Linh Đông (8ha), quận Thủ Đức; hồ trung tâm khu Thủ Thiêm (18ha), khu 87ha phường An Phú (2ha), quận 2; công viên tại phường An Lạc, quận Bình Tân (1,4ha); ao Song Tân, quận 7 (7,4ha); công viên Vĩnh Lộc, Bình Chánh (85ha); phường An Phú Đông (1,73ha), phường Thạnh Xuân (150ha) quận 12; khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình; khu vực công viên Gia Định, quận Gò Vấp.
   
Kế hoạch chống ngập cho 6 vùng thoát nước
   
  Vùng Trung tâm, vùng Bắc, vùng Tây: Nằm giới hạn, khép kín bởi hệ thống sông Sài Gòn, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Do đó, để chống ngập do triều cho toàn bộ 3 vùng thoát nước này, thành phố cần ưu tiên thực hiện các dự án thuộc nhóm công trình kiểm soát triều, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn theo quy hoạch thuỷ lợi chống ngập khu vực thành phố như sau: Cống kiểm soát triều Bến Nghé (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng); cống kiểm soát triều Tân Thuận (ổng mức đầu tư: 1.126 tỷ đồng); cống kiểm soát triều rạch Nước Lên (tổng mức đầu tư 406 tỷ đồng); cống kiểm soát triều Vàm Thuật (tổng mức đầu tư 407 tỷ đồng); cống kiểm soát triều Phú Xuân (tổng mức đầu tư 751 tỷ đồng ).
   
  Vùng Nam là khu vực có hệ thống kênh, rạch dày đặc, việc giải quyết thoát nước tập trung thực hiện cho trục đường Huỳnh Tấn Phát và các khu dân cư lân cận trên tuyến.
   
  Vùng Đông Bắc là khu vực đất gò cao, thường bị ngập một phần ở khu vực đường Kha Vạn Cân. Kế hoạch chống ngập tập trung thực hiện dự án đê bao phường Hiệp Bình Chánh và cải tạo rạch Cầu Ngang.
   
  Vùng Đông Nam quận 2 sẽ được triển khai theo quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm; một phần Quận 9 cần được quan tâm thực hiện trên trục đường Đỗ Xuân Hợp và Lê Văn Việt.
   
Nguyễn Thanh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Tập trung giảm tình trạng ngập nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO