TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực giải bài toán rác thải

04/12/2017 00:00

Bình quân hằng năm, TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 5% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, thế nhưng, hiện công tác xử lý rác chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Điều đáng nói, thành phố chỉ mới đáp ứng xử lý được khoảng 60% khối lượng chất thải nguy hại. Mặc dù chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư công nghệ hiện đại vào xử lý chất thải, nhưng để giải bài toán này không hề đơn giản…

Hàng nghìn tấn rác chỉ được xử lý thủ công

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 1.500-2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp, trong đó có gần 400 tấn rác thải nguy hại. Riêng công tác xử lý chất thải nguy hại của 12 cơ sở được cấp phép và 30 đại lý vận chuyển mới chỉ đáp ứng được 251 tấn/ngày, đạt hơn 60% công suất. Khối lượng chất thải y tế nguy hại khoảng 22 tấn/ngày, cũng là thách thức lớn.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, bình quân mỗi năm chất thải rắn sinh hoạt tăng khoảng 5%. Dự báo giai đoạn năm 2020-2030, lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố tăng khoảng 2.000-8.000 tấn/ngày so với hiện nay. Về chất thải rắn công nghiệp và nguy hại, ước tính mỗi năm tăng khoảng 6-8%, dự báo đến năm 2030, thành phố tăng khoảng 1.000-2.000 tấn rác/ngày. Đối với chất thải rắn y tế tăng 10%/năm và đến năm 2030 sẽ tăng hơn 60 tấn/ngày.

Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại hộ gia đình, gây khó khăn cho việc thu gom.
Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại hộ gia đình, gây khó khăn cho việc thu gom.



Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), hiện lượng chất thải rắn nói chung và chất thải rắn nguy hại phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về loại tại Việt Nam. Tuy nhiên, phương pháp chủ yếu để xử lý chất thải rắn vẫn là chôn lấp, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất lẫn rác, mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí ở khu vực bãi rác. Chưa kể, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều nước rác nên việc tìm kiếm công nghệ xử lý triệt để, phù hợp rất khó khăn.

Hiện đại hóa công nghệ xử lý

Từ những hạn chế trên, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trên thế giới khi áp dụng rộng rãi công nghệ đốt chất thải phát điện cho thấy một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác. Đơn cử như: Có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi so với biện pháp chôn lấp; giảm phát thải khí nhà kính…

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng nhận định, đốt chất thải để phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam, do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ đốt chất thải rắn phát điện quá cao nên để được triển khai, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ gồm: Phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí,… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.

Gợi ý về tính hiệu quả khi đầu tư công nghệ đốt chất thải phát điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay, sau khi đấu thầu thành công, nhà đầu tư cần vận hành thử công nghệ trong thời gian từ 3 đến 6 tháng để các cơ quan chức năng đo kiểm các chỉ số. Trên cơ sở các thông số kỹ thuật, công suất được bảo đảm, thành phố mới ký hợp đồng dài hạn. Mặt khác, trong tiêu chí cũng cần phải làm rõ hiệu suất xử lý từ rác thành điện.

Với mục tiêu đề ra đến năm 2020, thành phố giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống còn 50%; đến năm 2025 còn 20%, hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra danh mục dự án xử lý rác cần đầu tư, các chính sách ưu đãi, giá mua bán điện tại thành phố. Trong đó, thành phố sẽ ưu đãi với các dự án thu gom, xử lý, tái chế chất thải tập trung thuộc địa bàn huyện Củ Chi và Bình Chánh, đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn theo quy định sẽ được miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp. 

Mặt khác, chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) cho nhà đầu tư; các chính sách về hỗ trợ giá mua, bán điện; về nguồn vốn, về thuế. Cụ thể, về chính sách mua lại nguồn điện tái tạo đối với các dự án từ rác, chất thải, đối với dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp mua giá 2.114 đồng/kWh; đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hiện thành phố đã tiếp nhận nội dung đề xuất đầu tư xử lý rác phát điện của 40 nhà đầu tư. Thành phố sẽ nhanh chóng công bố các quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án, các chính sách ưu đãi, chương trình kích cầu, hỗ trợ nhà đầu tư… và sẽ sớm tổ chức đấu thầu công khai nhằm lựa chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp cho thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, thành phố sẽ giao cho các sở, ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đăng ký thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư được phê duyệt.

Theo HNMO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực giải bài toán rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO