TP Hồ Chí Minh: Mất nhà vì "vay tiền" tín dụng đen

22/04/2016 00:00

(TN&MT) - Chưa hết thời hạn đặt cọc mua bán nhà nhưng bên đặt cọc đã tự ý bán nhà cho người khác, hậu quả người nhận đặt cọc bị mất nhà một cách cay đắng.

 
(TN&MT) – Bà Mạc Thị Huệ (TT tại 43 Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM) có đơn gửi báo TN&MT phản ánh về việc bà bị một nhóm người "lừa đảo" bán mất nhà khi bà vay tiền của họ bằng những bản Hợp đồng đặt cọc, ủy quyền có sự chứng kiến của công chứng viên...
 
Theo phản ánh của bà Huệ thì vào năm 2013, bà có vay tiền của một cá nhân và thế chấp cho khoản vay bằng một hợp đồng đặt cọc mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở. Sau đó, mặc dù chưa hết thời hạn đặt cọc thì bên cho vay đã tự ý chuyển nhượng nhà và đất của bà cho một người khác. Vụ việc được đưa ra tòa và bản án đã có hiệu lực pháp luật với phán quyết bà Huệ phải giao nhà và đất cho bên thứ ba.
 
Các tài liệu chứng minh việc mua bán nhà giữa bà Huệ và ông Hảo không phản ánh ý chí của bà Huệ bởi đây chỉ là Hợp đồng giả tạo nhằm che giấu việc vay mượn tiền giữa hai bên
Các tài liệu chứng minh việc mua bán nhà giữa bà Huệ và ông Hảo không phản ánh ý chí của bà Huệ bởi đây chỉ là Hợp đồng giả tạo nhằm che giấu việc vay mượn tiền giữa hai bên
 
Quay trở lại vụ việc, ngày 29/7/2014, TAND quận 4 - TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn là ông Cao Văn Vinh; bị đơn là bà Nguyễn Tú Anh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Cảnh Hảo và bà Mạc Thị Huệ.
 
Tại phiên xét xử, phía nguyên đơn đưa ra các bằng chứng, lý lẽ về việc mua bán toàn bộ căn nhà và đất ở tại địa chỉ 109/34 đường Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4 từ bà Nguyễn Tú Anh. Đến ngày 18/11/2014 thì ông Vinh được UBND quận 4 cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 
Khi ông Vinh đến căn nhà tại địa chỉ trên để chuyển đồ dùng sinh hoạt thì phát hiện bà Mạc Thị Huệ đang ở đó. Ông Vinh đã yêu cầu bà Tú Anh phải có trách nhiệm buộc bà Huệ ra khỏi nhà nhưng không được, Vì vậy, ông Vinh đã khởi kiện yêu cầu Tòa xem xét buộc bà Tú Anh và bà Huệ phải bàn giao nhà và đất cho ông.
 
Về phía bị đơn là bà Tú Anh, tại bản tự khai có trình bày: ngày 11/5/2013, bà có nhận chuyển nhượng QSD đất của bà Mạc Thị Huệ thông qua người được ủy quyền hợp pháp của bà Huệ là ông Trần Cảnh Hảo tại phòng công chứng số 1. Giá nhận chuyển nhượng là 3,7 tỷ đồng. Bà Anh đã thực hiện việc đóng thuế trước bạ đầy đủ và thực hiện đăng bộ chuyển QSD đất và sở hữu nhà sang tên bà Tú Anh.
 
Đồng thời với giao dịch chuyển nhượng trên, cùng ngày 11/5/2013 bà Anh và ông Hảo có thỏa thuận thống nhất nội dung là cam kết kể từ sau thời gian ký Hợp đồng mua bán trên, trong thời hạn hai tháng, bà Anh đồng ý sẽ chuyển nhượng lại cho bà Mạc Thị Huệ căn nhà đã mua khi bà Huệ có nhu cầu mua lại. Do cần tiền nên ngày 29/10/2013 nên bà Anh đã chuyển nhượng lại QSD đất và căn nhà trên cho ông Cao Văn Vinh.
 
Bà Mạc Thị Huệ cay đắng cho biết đã bị một nhóm người lừa cho vay tiền để bây giờ căn nhà trị giá gấp nhiều lần số tiền đi vay đã bị mất
Bà Mạc Thị Huệ cay đắng cho biết đã bị một nhóm người lừa cho vay tiền để bây giờ căn nhà trị giá gấp nhiều lần số tiền đi vay đã bị mất
 
Về phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Mạc Thị Huệ cho biết: ngày 11/01/2013 bà có vay của ông Trần Cảnh Hảo số tiền 3,5 tỷ đồng. Để đảm bảo cho việc vay tiền thì bà và ông Hảo có ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà ở và chuyển nhượng QSD đất tại địa chỉ 109/34 đường Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4 với thời gian 06 tháng.
 
Để đảm bảo cho việc ký hợp đồng mua bán, ông Hảo yêu cầu bà phải làm hợp đồng ủy quyền cho ông để ông có quyền mua bán, chuyển nhượng căn nhà nêu trên. Khi chưa hết thời hạn đặt cọc thì ông Hảo đã tự ý bán nhà cho bà Nguyễn Tú Anh nhưng vẫn lấy tiền lãi và không cho bà biết.
 
Chính vì vậy nên bà không giao nhà và đất bởi việc vay mượn giữa hai người bằng hợp đồng đặt cọc chỉ là hợp đồng giả cách chứ không phản ánh ý chí bán nhà của bà Huệ. Bà cũng đã cung cấp bằng chứng là giấy biên nhận tiền lãi có chữ ký của ông Hảo nhưng không được xem xét thấu đáo.
 
Còn ông Trần Cảnh Hảo cho biết: Ngày 11/01/2013, ông và bà Huệ có ký hợp đồng đặt cọc và hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng số 1 TP HCM. Sau đó giữa hai người cũng thỏa thuận trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày 11/01/2013, nếu bà Huệ có khả năng và nhu cầu mua lại nhà thì ông Hảo sẽ bán lại cho bà. 
 
Căn nhà của bà Huệ trước đây đã bị cơ quan thi hành án cưỡng chế bàn giao cho ông Vinh là người mua cuối cùng với giá trị thấp hơn nhiều so với thị trường
Căn nhà của bà Huệ trước đây đã bị cơ quan thi hành án cưỡng chế bàn giao cho ông Vinh là người mua cuối cùng với giá trị thấp hơn nhiều so với thị trường
 
Đến ngày 11/5/2013, do cần tiền làm ăn nên ông đã bán căn nhà của bà Huệ cho bà Nguyễn Tú Anh với số tiền 3,7 tỷ đồng. Giữa ông và bà Tú Anh cũng có thỏa thuận trong thời gian 02 tháng kể từ ngày 11/5/2013, nếu bà Huệ có nhu cầu mua lại nhà thì bà Tú Anh cũng sẽ bán lại căn nhà trên bà Huệ.
 
Sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ án các bên cung cấp và căn cứ vào lời khai tại tòa cũng như các bản tự khai trước đó thì TAND quận 4 quyết định buộc bà Nguyễn Tú Anh; bà Mạc Thị Huệ phải bàn giao nhà cho ông Cao Văn Vinh.
 
Bà Huệ sau đó đã kháng cáo toàn bộ bản án nhưng ngày 08/12/2014, TAND TP HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử sơ thẩm do bà Huệ vắng mặt cả hai lần được mời đến phiên tòa. Đồng thời công nhận bản án sơ thẩm của TAND quận 4 là có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 08/12/2014.
 
Có thể thấy, vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ dành riêng cho cá nhân bà Huệ trong việc mang tài sản có giá trị lớn đi thế chấp nhằm đảm bảo cho các khoản vay từ các nhân hoạt động trong lĩnh vực tín dụng. Điều nguy hiểm đó là những Hợp đồng đặt cọc, mua bán, ủy quyền... đều được công chứng với các điều khoản không chặt chẽ, có nhiều bất lợi thuộc về người đi vay tiền.
 

Nhận xét về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Kiệm - VP Luật sư Phạm Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Bản chất của vụ việc này không phải là hợp đồng chuyển nhượng mua bán bình thường bởi đây là giao dịch giả tạo nhằm che giấu việc vay mượn tiền giữ người đi vay và người cho vay. Khi xét xử tòa án đã không xem xét đầy đủ các tình tiết vụ việc dẫn đến người dân bị mất nhà oan ức.

Những việc như thế xảy ra ở khắp nơi và phương thức này được giới tài chính tín dụng sử dụng thường xuyên. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng không tuyên truyền và phổ biết kiến thức pháp luật cho người dân biết rõ các hậu quả có thể xảy ra, đặc biệt là tại các văn phòng công chứng thì những việc như thế này sẽ còn tiếp diễn.

Mạnh Hưng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Mất nhà vì "vay tiền" tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO