Công trình bờ kè chống sạt lở tại bán đảo Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) |
Đây là mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn TPHCM đến năm 2030 do UBND TP.HCM vừa ban hành. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.
Đồng thời, TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển.
Về các giải pháp thực hiện, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở gắn với sinh kế, ổn định đời sống của người dân. Xây dựng quy chế tổ chức, quản lý và khai thác vận hành công trình kè chống sạt lở.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.
Song song đó, TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Thực hiện nghiêm túc có hiệu quả quy định về quản lý hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở. Chủ động bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.