TP.HCM: Trình Đề án Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh

04/11/2017 00:00

(TN&MT) - Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh được xác định trên cơ sở phân tích các thách thức mà Thành phố đang đối mặt, nhu cầu dự báo và quản...

 

(TN&MT) - Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh được xác định trên cơ sở phân tích các thách thức mà Thành phố đang đối mặt, nhu cầu dự báo và quản trị đô thị, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố, xu hướng xây dựng đô thị thông minh trên thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mới đây, UBND TP.HCM (Ban Điều hành Đề án đô thị thông minh) đã có Tờ trình số 6024/TTr-BĐH gửi HĐND Thành phố xem xét, quyết định về Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” (Đề án).

TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước, dân số chiếm 9,1% (khoảng 8,43 triệu người) tổng dân số cả nước và đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD (18% cả nước). Với mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của Thành phố, Lãnh đạo các cấp đã đặt ra mục tiêu cho TP.HCM nhằm có thể vươn lên sánh tầm với các đô thị lớn tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế là đến nay TP.HCM vẫn còn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực. Khi so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Á trên hai tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, TP.HCM đang đứng cuối bảng trong số 12 thành phố (nguồn: báo cáo Global Cities 2016 của Công ty A.T.Kerney), sau Jakata, Kuala Lumpur, Singapore, Manila,…

Trong phạm vi quốc gia, vị thế dẫn đầu của TP.HCM cũng đang trên đà suy giảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố trong vài năm qua đang có dấu hiệu chững lại, tụt hạng dần so với các tỉnh, thành khác. Thành phố đang đối mặt với bài toán làm thế nào để tiếp tục duy trì cũng như phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian tới.

Quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh, bảo vệ môi trường; chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đáp yêu cầu phát triển và hội nhập. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Do đó, Đề án sẽ xác định các thách thức chính hiện nay và đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần giúp Thành phố vượt qua được các thách thức để “Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.

Đề án cũng nêu rõ về tầm nhìn, chiến lược, nguyên tắc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Theo đó, tầm nhìn về đô thị thông minh của TP.HCM đến năm 2025 “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”.

Song song đó, tầm nhìn ưu tiên cao nhất là việc phát triển kinh tế của Thành phố, phù hợp với các định hướng phát trển của Thành phố tại Nghị Quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Tầm nhìn đặt “người dân là trung tâm của đô thị” được hiểu là người dân sẽ có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc tốt, được phục tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng Thành phố. Và việc phát triển bền vững đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Cùng với đó là 04 mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, bao gồm: Đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế trí thức; quản lý đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân và tổ chức.

Và 04 nguyên tắc định hướng trong việc triển khai xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, bao gồm: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; huy động mọi nguồn lực.

Đề án còn nêu cụ thể về lợi ích đối người dân như: Nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao năng suất lao động; đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, đô thị thông minh góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh, an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích, bao gồm: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm tác động ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; không khí trong lành; nguồn nước sạch…

Người lao động còn được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới. Cách dịch vụ này, gồm: kết nối internet băng rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập; hệ thống giao thông vận tải đạt hiệu quả.

Riêng đối với việc đảm bảo phát triển bền vững, thông qua dự báo, đô thị thông minh giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, từ đó cho phép nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên cũng đảm bảo lợi ích cho thế hệ tương lai.

Đề án cũng nêu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tài chính; nhóm giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho đô thị thông minh của TP.HCM; các giải pháp chuyên ngành theo từng lĩnh vực.

Với 04 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố; xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô hình phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh; thành lập Trung tâm an toàn thông tin Thành phố.

Ngoài ra, đề xuất Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho đô thị thông minh của TP.HCM. Khung ICT cung cấp kiến trúc tổng quan về công nghệ, đảm bảo định hướng “mở”, cho phép liên thông, chia sẻ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tích hợp thiết bị, giải pháp của nhiều nhà cung cấp và sử dụng chung các công cụ phân tích dữ liệu, tương tác với người dùng.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là một chủ trương lớn của Lãnh đạo Thành phố, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn 2017 - 2025. Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu là giải pháp mang tính cấp thiết giúp Thành phố dự báo tốt, giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa.

Đồng thời, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc hiện thực các mục tiêu của 07 Chương trình đột phá của Thành phố cùng các bức xúc khác của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng phục vụ người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo xuất phát điểm vô cùng thuận lợi cho việc triển khai các Chương trình đột phá cho các giai đoạn tiếp theo.

UBND TP.HCM (Ban Điều hành) đề xuất HĐND Thành phố xem xét các nội dung: Chấp thuận nội dung cơ bản của Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Ban Điều hành trình. Đồng ý chủ trương phải xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Thành phố; Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố; Kế hoạch xây dựng Trung tâm an toàn thông tin Thành phố.

Và có ý kiến góp ý, định hướng đối với đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Việc xây dựng đô thị thông minh là một quá trình liên tục và mang tính chất “mở”, cần phải thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh theo sự phát triển của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và xu thế phát triển đô thị thông minh trên thế giới. Do đó, đề xuất HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương cho Ban Điều hành có thế cập nhật Đề án căn cứ vào tình hình thực tiễn của Thành phố và ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo việc triển khai Đề án được hiệu quả.

Tường Tú

 

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Trình Đề án Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO