Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng
PGS.TS. Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP.HCM. Trong đó, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chiếm 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính.
Vì vậy, lĩnh vực giao thông vận tải luôn được UBND TP.HCM ưu tiên thực hiện các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, Thành phố đang trong quá trình triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2 tđ/năm.
TP.HCM triển khai 20 chương trình, dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 |
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, 5 tuyến đường sắt đô thị sẽ được hoàn thành, khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2030 không chỉ góp phần giảm kẹt xe mà còn giảm khối lượng phát thải khí nhà kính rất lớn cho thành phố. Trong đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 có thể giảm 52.002 tấn C02 tđ/năm; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 giảm 22.636 tấn CO2 tđ/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 4b-1 giảm 2.032 tấn CO2 tđ/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 giảm 18.325 tấn CO2 tđ/năm; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3a - giai đoạn 1 giảm 20.565 tấn CO2 tđ/năm.
Ngoài ra, trong lĩnh vực giao thông, TP.HCM sẽ nghiên cứu và thí điểm xây dựng hệ thống trạm sạc cho các phương tiện giao thông sử dụng điện, nhằm giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông. Mục tiêu của Dự án này là nghiên cứu các nhiên liệu sạch thay thế xăng, diesel cho các phương tiện xe buýt. Thành phố ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm được là 56.771 tấn CO2 tđ/năm nếu triển khai sử dụng nhiên liệu sạch.
Đổi mới công nghệ, tái chế, tái sử dụng
Nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án đổi mới công nghệ. Trong đó, Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố được giao nhiệm vụ triển khai Dự án thí điểm lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước trong các công trình công cộng và tòa nhà hành chính; Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp; Sở Xây dựng triển khai Dự án thí điểm mô hình mái nhà xanh và tường xanh. Đặc biệt, Sở Công Thương chủ trì thực hiện Dự án áp dụng các “biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa”. Dự án này có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lên tới 493.845 tấn CO2 tđ/năm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP.HCM giao Sở Khoa học và Công nghệ và Sở TN&MT phối hợp triển triển khai Dự án thu hồi khí bãi chôn lấp để phát điện. Theo đó, kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 675.459 tấn CO2 tđ/năm khi triển khai thu hồi khí các bãi chôn lấp; Sở TN&MT chủ trì triển khai Dự án nghiên cứu thí điểm tái sử dụng, tái chế bùn thải làm vật liệu xây dựng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tái chế bùn thải sau xử lý; Sở Xây dựng chủ trì thực hiện Dự án nghiên cứu triển khai thí điểm tái sử dụng nước thải trên địa bàn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Dự án sản xuất khí sinh học kết hợp phát điện từ chất thải chăn nuôi…
Theo kịch bản phát triển thông thường, năm 2016 TP.HCM sẽ phát thải 51.846 tấn CO2, năm 2030 là hơn 160.000 tấn CO2. Trong khi đó, với kịch bản phát triển nếu thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, cao ốc, dân dụng, giao thông và năng lượng tái tạo tại TP.HCM thì năm 2030 lượng phát thải còn 112.517 tấn CO2, giảm 21%.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn giao Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị chủ trì triển khai Dự án xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển trong nội thành kết hợp sử dụng công nghệ nhiệt phân bùn từ hệ thống xử lý nước thải để thu hồi khí phát điện. Trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, UBND TP.HCM cũng đã giao Sở TN&MT chủ trì thực hiện Dự án kiểm kê khí nhà kính, định kỳ 2 năm/lần để có số liệu phát thải khí nhà kính góp phần hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: UBND TP.HCM giao Sở TN&MT là cơ quan theo dõi, tổng hợp, báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM có nhiệm vụ giám sát, đánh giá việc triển khai các chương trình, dự án của các Sở, ngành được giao trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính nói riêng và toàn bộ Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nói chung.