TP.HCM: Khổ như mua phải... nhà cổ

17/11/2016 00:00

(TN&MT) - Bà Oanh làm đơn gửi phường, quận, thành phố xin "sửa chữa, cải tạo" căn biệt thực cổ nhưng một năm qua, quận vẫn không cho sửa và kêu... "chờ các đơn...

 

(TN&MT) – Tháng 10-2015, bà Lê Thị Kim Oanh bỏ ra 35 tỉ đồng (trong đó vay ngân hàng 31 tỉ) mua căn biệt thự cổ ở số 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM, đã được Sở TN&MT TPHCM cấp “giấy hồng” đàng hoàng. Sau đó một tháng, bà Oanh làm đơn gửi phường, quận, thành phố xin “sửa chữa, cải tạo” nhưng một năm qua, quận vẫn không cho sửa và kêu... “chờ các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết”. Nhưng chờ đến bao giờ?

Hai triệu đô mua nhà cổ...

Căn biệt thự 237 Nơ Trang Long được xây từ thời Pháp đã 100 tuổi. Đây là một trong những căn biệt thự cực hiếm còn sót lại ở Sài Gòn. “Căn biệt thự này là nhân chứng cho sự thay đổi lịch sử, văn hóa; đập phá đi chúng tôi cũng tiếc lắm, nhưng không sửa chữa thì không thể ở hay kinh doanh gì được vì ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm bởi nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng của những người sinh sống trong ngôi nhà ”, người nhà của chủ nhân cho biết.

Có mặt tại ngôi nhà cổ trên, chúng tôi thấy hiện mái nhà, cửa gỗ và đồ dùng bên trong đã được tháo bỏ, chỉ còn vách tường và nền nhà.

Được biết, căn biệt thự này xây dựng từ thời Pháp, nay đã 100 năm tuổi. Sau năm 1975, biệt thự cổ này được chuyển giao lại cho chính quyền mới. Năm 1990, ông Lê Thanh Công (83 tuổi) mua lại, được nhiều người sở hữu. Ròng rã suốt nhiều năm biệt thự không được tu sửa nên bị xuống cấp trầm trọng.

Vào cuối năm 2015, ông Công rao bán với giá 35 tỉ đồng và sau đó bà Lê Thị Kim Oanh (thường trú thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã mua. Bà Oanh phải vay 31 tỉ đồng của ngân hàng để mua. Giờ hàng tháng phải trả lãi hàng trăm triệu đồng nhưng chính quyền quận Bình Thạnh không cho sửa sang, ở thì không được vì nhà cổ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Thế là bà Oanh phải ở... nhà thuê.

... bị “dán nhãn” là biệt thự nhóm 1

Theo tài liệu phóng viên có được, trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do Sở TN&MT TPHCM cấp vào tháng 10-2015, diện tích căn biệt thự này được công nhận hơn 443m2.

Ngày 17-11, trao đổi với chúng tôi, Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM, cho biết: Vào ngày 7-7-2016 (tức sau khi chủ nhân biệt thự tự ý tháo dỡ) Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM ra văn bản 2813. Theo văn bản này thì “Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc đã gửi hồ sơ kiểm kê, đánh giá di sản đến Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Theo đó, biệt thự tại địa điểm 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM được nhận xét, đề xuất là biệt thự nhóm 1”.

Cũng theo ông Hoàng Minh Trí, thông tư 38/2009 của Bộ Xây dựng (nay được thay bằng Thông tư 19/2016 cũng của Bộ Xây dựng) quy định: “Biệt thự nhóm 1 là những nhà biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hoá  được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng – kiến trúc và văn hoá cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt”.

Như vậy, theo ông Hoàng Minh Trí, đây là ngôi nhà cổ có giá trị nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng khiến cho người dân không thể ở được. Nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người sinh sống trong đó (hiện nhà này đang để không). Do đó, theo quy định nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ nhà bảo trì, duy tu, sửa chữa. Việc bảo trì nhà biệt thự được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng. Đối với nhà biệt thự gắn liền với di tích lịch sử-văn hoá thì việc bảo trì phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, tu bổ, bảo quản và phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Chủ sở hữu, đơn vị quản lý nhà biệt thự có trách nhiệm bảo trì nhà biệt thự. Trong trường hợp người sử dụng không phải là chủ sở hữu muốn thực hiện việc bảo trì phần sở hữu riêng thì phải được chủ sở hữu đồng ý bằng văn bản. Đối với nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu thì chủ sở hữu có trách nhiệm thực hiện bảo trì đối với phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà biệt thự đó cho người đại diện các chủ sở hữu trong nhà biệt thự với mức đóng góp theo thoả thuận giữa các chủ sở hữu. Trường hợp không có thoả thuận thì kinh phí được phân bổ tương ứng với diện tích sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

“Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 1 phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Thông tư 38 (nay là thông tư 19), pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về nhà ở. Trường hợp thực hiện việc bảo trì đối với biệt thự nhóm 1 mà có thay đổi về màu sắc, vật liệu thì phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sau khi có ý kiến góp ý của cơ quan quản lý về xây dựng - kiến trúc và cơ quan quản lý về văn hoá cấp tỉnh. Việc bảo trì nhà biệt thự phải bảo đảm an toàn cho người, tài sản và đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường”, ông Trí nói.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, vấn đề đặt ra với ngôi nhà cổ ở đường Nơ Trang Long cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác ở TPHCM là cân bằng giữa nhu cầu bức thiết về sinh hoạt và đời sống của người dân - cụ thể là chủ sở hữu - và nhu cầu bảo tồn một loại hình di sản văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa. Bởi vì nếu để di sản văn hóa mất đi thì không có gì bù đắp được.

Nhà cổ ở các thành phố là một ví dụ thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản văn hóa đô thị. Bởi vì hầu hết nhà cổ thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất, của nhà là của chủ sở hữu. Thế nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của nhà cổ còn là di sản văn hóa đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia.

Vì vậy, hơn mọi loại hình di sản văn hóa vật thể, nhà cổ thể hiện “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” rất gay gắt, không dễ dung hòa hay thỏa hiệp. Bởi phần lớn nhà cổ còn tồn tại ở TPHCM có khuôn viên rộng, kiến trúc độc đáo “Đông - Tây kết hợp”, trang trí nội ngoại thất mang phong cách đặc trưng của giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Trải qua thời gian dài, khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng. Vậy phải giải quyết như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, nếu là công trình công cộng (như công sở) thì các cơ quan nhà nước phải tuân thủ và gương mẫu thực hiện việc trùng tu, bảo tồn, tất nhiên việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Còn nếu là sở hữu của tư nhân, khi người dân có nhu cầu bán hay tháo dỡ, xây dựng lại thì nhà quản lý nên khuyến khích, thuyết phục người dân trùng tu bảo tồn, thậm chí hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí. Tuy nhiên, việc chính quyền hỗ trợ về kinh phí là một điều bất khả thi vì luật quy định “tùy thuộc vào ngân sách của địa phương”. Vì vậy, phải căn cứ vào luật định để giải quyết nhu cầu cho người dân.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia?

Theo tài liệu chủ sở hữu căn biệt thự cung cấp về Biên bản làm việc ngày 29/7/2016 của Sở Xây dựng TPHCM thì đoàn làm việc gồm có đại diện Sở Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển, Uỷ ban nhân dân quận Bình Thạnh và UBND phường 11. Theo ghi nhận trong phần đầu của Biên bản này nêu việc Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng yêu cầu thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 3628/UBND-ĐTMT ngày 11/7/2016 của UBND TPHCM về việc tháo dỡ trái phép đối với các biệt thự cũ có giá trị về kiến trúc, văn hoá, lịch sử tại số 12 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1. Tuy nhiên, trong phần nội dung bên dưới của Biên bản ngày 29/7/2016 này lại đề cập hiện trạng căn biệt thự tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM…Điều này thể hiện một sự tắc trách, cẩu thả trong thực thi nhiệm vụ của những cán bộ chức năng.

Luật sư Nguyễn Tấn Thanh – Văn phòng Luật sư Tấn Thanh – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Căn biệt thự tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM chưa được bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào công nhận đó là công trình di sản văn hoá theo Luật di sản văn hoá. Cho nên việc chủ sở hữu của căn biệt thự đã có thủ tục đăng ký xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại công trình thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét giải quyết.

“Trong trường hợp đã quá thời hạn quy định của pháp luật các cơ quan có thẩm quyền không xem xét giải quyết, trong khi nhà ở này đã xuống cấp trầm trọng, đã bị dột nát, có phần mái đã sụp như chủ sở hữu trình bày. Do đó, để tránh tình trạng dẫn đến tính mạng con người bị đe doạ nghiêm trọng thì việc phải tháo gỡ phần sụp đổ và nguy cơ sụp đổ cao để bảo vệ tính mạng của họ là việc làm cấp thiết. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này một cách kịp thời trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân”, luật sư Nguyễn Tấn Thanh nhấn mạnh.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này.

Bài & ảnh: Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Khổ như mua phải... nhà cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO