Theo đó, phương tiện tham gia lưu thông là phương tiện cơ giới phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại xe “Ô tô chở rác”; thùng xe kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác.
Ngoài các mẫu phương tiện của các đơn vị sản xuất xe chuyên dùng được công bố, các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có thể tham khảo thêm các mẫu xe của các đơn vị sản xuất xe chuyên dùng khác có tính năng tương tự đáp ứng được các quy định chung về kỹ thuật và bảo vệ môi trường nói trên. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt sẽ hoàn tất vào ngày 31/10/2019.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay, các phương tiện vận chuyển rác sinh hoạt của Công ty Môi trường Đô thị TP, các công ty dịch vụ công ích quận, huyện đạt các yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, đa số các phương tiện thu gom, vận chuyển của lực lượng thu gom rác dân lập còn rất thô sơ, không có nắp đậy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác… nên thường xuyên rơi vãi rác và nước rỉ rác xuống đường, gây ô nhiễm môi trường.
Từ cuối năm 2016, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông vận tải và Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) triển khai thiết kế các mẫu xe thu gom, vận chuyển rác đạt quy chuẩn.
Tuy nhiên, để triển khai đúng kế hoạch hoàn tất chuyển đổi các phương tiện thu gom vận chuyển rác trước 31/10/2019, các đơn vị rác dân lập cho biết, đang gặp khó khăn về kinh phí để mua sắm phương tiện, cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của Thành phố.