TP.HCM: Doanh nghiệp bị cưỡng chế "oan"

09/06/2017 00:00

(TN&MT) – Mặc dù đã có rất nhiều văn bản "khuyến cáo" của các cơ quan quản lý Trung ương, nhưng ngày 8/6, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn tổ chức cưỡng...

 

(TN&MT) – Mặc dù đã có rất nhiều văn bản “khuyến cáo” của các cơ quan quản lý Trung ương, nhưng ngày 8/6, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn tổ chức cưỡng chế Công ty CP Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam (địa chỉ 7/6, ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn)…gây bức xúc dư luận.

Trước đó, ngày 16/5, Cục  Thi hành án dân sự  (THADS) TP.HCM đã phát đi thông báo về việc ngày 8/6, sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng đối với Công ty Cổ phần Trung Nam để giao quyền sử dụng đất thuê và quyền sở hữu nhà xưởng xây dựng trên đất có diện tích hơn 4.700m2 tại địa chỉ 7/6 ấp Xuân Thới Đông I, xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) cho người mua trúng đấu giá.  Biện pháp cưỡng chế: trục xuất toàn bộ người và tài sản (nếu có) của Công ty Cổ phần Trung Nam ra khỏi địa chỉ Công ty Cổ phần Trung Nam tại địa chỉ 7/6 ấp Xuân Thới Đông I, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Tổ chức cưỡng chế Công ty Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam sáng 8/6
Các lực lượng tổ chức cưỡng chế Công ty Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam sáng 8/6

Như báo điện tử Tài nguyên và Môi trường  đã phản ánh, vụ việc trên đã kéo dài hơn 10 năm nay. Theo  đó,  nội dung Bản án số 42/KTST ngày 06/9/2001 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao và Bản án số 976/DSPT ngày 18/6/2003 của TAND TP. HCM thì đối tượng phải thi hành án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Nam I (không phải Công ty cổ phần Trung Nam hay Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam). Thế nhưng, tại Quyết định kê biên số 457/QĐ-THA ngày 08/01/2008 hoặc mới nhất là Thông báo số 6541/TB-CTHADS của Cục THADS TP. HCM về việc cưỡng chế thi hành án thì đều nhắm đến mảnh đất tại số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. HCM thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần Trung Nam. Và công ty này đã cho Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam thuê để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Nhưng chỉ vì những quyết định này mà Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam vốn chẳng mảy may dính dáng đến bất kỳ Bản án hay quyết định hành chính nào mà phải hứng chịu hậu quả nặng nề, có thể mất nhà xưởng, đình trệ sản xuất và hơn 500 công nhân thất nghiệp. Đặc biệt, sự việc này có thể ảnh hưởng xấu  tới môi trường, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta.

Chính vì những bất hợp lý trong các diễn biến giải quyết vụ việc, thời gian qua rất nhiều cơ quan quản lý có ý kiến chỉ đạo, giám sát  như: Mặt trận Tô quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, Ban Dân nguyện  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Thanh tra  Chính phủ, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thành ủy TP.HCM…

Mới nhất, ngày 6/6, Tổng cục THADS đã có văn bản  gửi Cục THADS TP. HCM nêu ý kiến chỉ đạo xoay quanh việc tiến hành cưỡng chế đối với Công ty TNHH TMDV Trung Nam I (Cty Trung Nam I, đóng tại quận 5).

Theo  Tổng cục THADS, hiện nay bản án của Tòa đã có hiệu lực thi hành án và không bị kháng cáo, kháng nghị, do đó cần phải được tôn trọng, tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, vụ việc này đã có nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, gần đây nhất có công văn 801/VPCP-V.I ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, theo đó cần phải thi hành dứt điểm vụ việc. Đồng thời ngày 22/3/2017, Tổng cục có văn bản chỉ đạo Cục THADS TP.HCM tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Văn bản của Tổng cục THADS
Văn bản của Tổng cục THADS

Tuy nhiên, đây là vụ việc rất phức tạp, dư luận, báo chí quan tâm, Tổng cục yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP.HCM trước khi tiến hành cưỡng chế cần phải thực hiện rà soát một lần nữa quá trình tổ chức THA, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đương sự, trong đó đặc biệt lưu ý về tình tiết hiện nay Tòa án đã thụ lý đơn của Cty Trung Nam khởi kiện hành chính đối với UBND TP.HCM liên quan đến tài sản gắn liền với đất thuê tại xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn). Đây là khối tài sản dự kiến cưỡng chế, trường hợp cần thiết Cục THADS TP.HCM trao đổi thêm với Viện KSND TPHCM để thống nhất quan điểm.

Kịp thời xin ý kiến và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Ban Chỉ đạo THADS TP.HCM, đảm bảo nếu tiến hành cưỡng chế phải đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc Cục THADS TP.HCM cần báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp.

Trước đó, ngày 02/6, Viện KSND Tối cao đã có văn bản số 1169/VKSTC – V12  gửi Viện KSND TP.HCM yêu cầu thực hiện công tác kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án của Cục THADS TP.HCM theo quy định của pháp luật đối với Công ty Cổ phần Trung Nam (đóng tại thị xã Thuận An, Bình Dương).

Nội dung văn bản này cho biết, VKSND Tối cao đã ban hành kết luận 3975/VKSTC-V11 ngày 3/11/2016, theo đó việc kê biên, bán đấu giá QSDĐ trong vụ việc này phải bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thành ủy TP.HCM  đã yêu cầu  Ban cán sự Đảng UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý triệt để những sai phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Văn bản của Viện KSNDTC
Văn bản của Viện KSNDTC

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có công văn số 2874/MTTW-BTT ngày 7/1/2016, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản kiến nghị giám sát việc thi hành án trước trước khi thực hiện chỉ đạo.

 Bộ TN&MT cũng có văn bản xác định việc chuyển nhượng nhà xưởng và quyền sử dụng hơn 4.700m2 đất (tại địa chỉ 7/6, ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn ) của Công ty Trung Nam là đúng quy định của pháp luật.

Vậy mà, Cục THADS TP.HCM vẫn cương quyết tổ chức cưỡng chế Công ty Trung Nam và Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam. Đặc biệt, trong buổi cưỡng chế chế sáng 8/6, không có sự  tham gia của Viện KSND TP.HCM.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PVĐT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Doanh nghiệp bị cưỡng chế "oan"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO