TP.HCM: Diện tích tối thiểu sau tách thửa nhỏ nhất 36m2

09/11/2017 00:00

(TN&MT) – Trên cơ sở các góp ý của các sở, ngành, UBND các quận huyện, các tổ chức, người dân và sau quá trình khảo sát, đánh giá tình hình thực tế; Sở TN&MT TP.HCM vừa báo cáo UBND thành phố Dự thảo mới nhất về sửa đổi Quyết định sô 33 quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa trên địa bàn.

Thay vì đề xuất diện ích tối thiểu của thửa đất ở hình thành và đất còn lại sau khi tách thửa (đã trừ lộ giới) được quy định theo 2 khu vực như dự thảo trước, nay Sở TN&MT đề xuất thành 3 khu vực. Trong đó:

Khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú) thửa đất sau khi tách tối thiểu 36 m2 và bề ngang mặt tiền không nhỏ hơn 3m.

Khu vực 2 (các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện) lần lượt là 50m2 và 4m.

Khu vực 3 (các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ) thửa đất sau khi tách tối thiểu 80m2 và bề ngang không nhỏ hơn 5m.

Như vậy, diện tích tối thiểu  được tách thửa theo đề xuất lần này của Sở TN&MT là thấp nhất so với các dự thảo trước và ngay cả Quyết định 33/2004 ( quy định diện tích tối thiểu phải từ 50m2 trở lên).

Quy định diện tích tối thiểu sau tách thửa là 50 m2 đối với các quận mới như quận 9, 12, Bình Tân
Quy định diện tích tối thiểu sau tách thửa là 50m2 đối với các quận mới như quận 9, 12, Bình Tân là phù hợp với tình hình thực tế

Đối với đất nông nghiệp, trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp được phép tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Bỏ đề xuất đối với thửa đất trên 2.000m2 muốn tách thửa phải lập dự án đầu tư. Dự thảo lần này quy định trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì giao cho UBND quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sau đó, các địa phương căn cứ quy định về quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của sở, ngành theo quy định để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện đảm bảo phù hợp quy hoạch, kết nối hạ tầng chung của khu vực.

Về trách nhiệm của các sở, ngành, UBND quận huyện: Sở Quy hoạch - Kiến trúc có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành để hướng dẫn điều kiện thực hiện cơ sở hạ tầng đối với trường hợp tách thửa hình thành đường giao thông; Sở Giao thông Vận tải sẽ là đơn vị nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật đối với từng trường hợp; Sở Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn cấp phép xây dựng, hướng dẫn việc thực hiện hạ tầng kỹ thuật.

UBND quận, huyện có trách nhiệm thành lập tổ công tác liên ngành gồm phó chủ tịch UBND quận, huyện, phòng ban chuyên môn và đại diện UBND xã/phường/thị trấn nơi có đất xin tách thửa để giải quyết hồ sơ xin tách thửa. Trường hợp tách thửa đất lớn có hình thành đường giao thông chính thì mời thêm đơn vị có liên quan để giải quyết

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn một số quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 9, Thủ Đức…một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất rồi tách thành nhiều thửa nhỏ để bán, hình thành những khu dân cư thiếu hạ tầng, kỹ thuật, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Sửa đổi Quyết định 33 với các quy định vừa chặt chẽ về quy hoạch, giao thông, hạ tầng, vừa thực tế về diện tích sẽ góp phần ngăn chặn được những hành vi trên, đồng thời  cũng tạo điều kiện cho có nhu cầu tách thửa, đảm bảo quyền lợi chính đáng về sở hữu nhà đất của người dân.

“Tuy nhiên, do quyết định mới thay thế Quyết định 33 chưa chính thức ban hành nên Quyết định 33/2014 vẫn còn hiệu lực; tổ chức, cá nhân nào vi phạm vẫn sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật” – ông Thắng nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Diện tích tối thiểu sau tách thửa nhỏ nhất 36m2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO