TP.HCM: Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận 1

11/04/2015 00:00

(TN&MT) - Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong quý I/2015, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 523 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có...

 

(TN&MT) – “Phong trào toàn dân PCCC thực hiện trong xử lý ban đầu, giúp công tác PCCC kiềm chế được số vụ trầm trọng xảy ra, ý thức PCCC và hoạt động  của phong trào toàn dân PCCC đã mang lại hiệu quả đáng kể. Thay mặt Cảnh sát PCCC TP.HCM, tôi ghi nhận và cám ơn người dân Thành phố…” - Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc  Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM nói tại cuộc họp báo định kỳ chiều 10/4/2015.

Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong quý I/2015, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 523 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có 165 vụ cháy (giảm 17 vụ so với quý IV/2014 và giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2014).

Cảnh sát PCCC TP HCM đã trực tiếp cứu chữa 83/165 vụ (chiếm tỉ lệ 50,3%), lực lượng tại chỗ đã kịp thời xử lý ban đầu 82/165 vụ cháy (chiếm tỉ lệ 49,7%). Về thiệt hại, Cảnh sát PCCC cho biết có 1 người tử vong và bị thương 6 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 2,5 tỉ đồng, 27 vụ chưa ước thành tiền. Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất vẫn là nhà dân (79/165 vụ). Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận 1 (18 vụ); nguyên nhân xảy ra cháy nhiều nhất là do vi phạm quy định và sự cố hệ thống điện (107/165 vụ).

Trên địa bàn TP.HCM còn xảy ra 6 vụ tự đốt gây cháy… Tình hình nổ cũng xảy ra 2 vụ, tăng 1 vụ so với quý IV/2014 và không giảm so với cùng kỳ năm 2014. Thiệt hại về người, chết 2 vụ và bị thương 5 người. Cảnh sát PCCC TP HCM nhận được 40 tin yêu cầu hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ. Cứu được 27 người, tìm được 12 thi thể nạn nhân và đã tiến hành bàn giao cho địa phương và gia đình xử lý.

Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Lê Tấn Bửu đã trả lời hầu hết các câu hỏi của phóng viên báo, đài TW và TP.HCM. Tổng hợp các câu hỏi của báo chí, vị Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM nói: “Phong trào toàn dân PCCC thực hiện trong xử lý ban đầu, giúp công tác PCCC kiềm chế được số vụ trầm trọng xảy ra, ý thức PCCC và hoạt động  của phong trào toàn dân PCCC đã mang lại hiệu quả đáng kể. Vai trò của báo đài đã phát huy được tác dụng, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhắc nhở doanh nghiệp, cảnh báo ngăn ngừa tai nạn cháy có thể xảy ra. Tuy số vụ cháy được kiềm chế so với cùng kỳ, tiềm ẩn, nguy cơ cháy vẫn còn ở mức cao. Số vụ cháy chết người vẫn còn xảy ra…”.

Thông qua số liệu trên, công tác PCCC trước, trong, sau Tết đến nay, lực lượng PCCC tăng cường biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền và biện pháp ngăn ngừa kịp thời. PCCC cũng đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản kịp thời để phòng ngừa cháy có thể xảy ra. Trên cơ sở trên, Thành ủy đã triển khai công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn trong thời gian tới, quyết tâm hơn, hiệu quả hơn.

Thông qua báo chí, Đại tá Lê Tấn Bửu gửi khuyến cáo đến người dân TP.HCM là vào thời điểm hiện nay, đỉnh điểm của mùa khô, tình hình cháy nhà chiếm một lượng lớn, cháy cỏ do người dân đốt cỏ và xảy ra lây lan. Trong đó, lây qua cháy nhà kho dẫn đến cháy lan và cháy lớn. Hiện nay, việc đốt cỏ của người dân còn xảy ra, ví dụ như vụ cháy vào vườn tràm do đốt cỏ, với đồng cỏ hoang nếu xảy ra cháy sẽ có nguy cơ cháy lan vào các khu rừng tràm của TP.

Đại tá Lê Tấn Bửu cũng mong các doanh nghiệp do hiện nay đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa nên cần tăng cường cảnh giác trước nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn. Với ngành điện lực, Cảnh sát PCCC đã đề nghị điện lực đưa ra phân tích “chuyên sâu” vì sao xảy ra cháy do điện tăng cao. Lãnh đạo Tổng Công ty điện lực đã đưa ra các ý kiến, giải pháp thuyết thực. Để loại trừ các nguyên nhân do cháy ra điện, PCCC sẽ phối hợp, tăng cường hơn nữa để kéo giảm tác nhân do điện. PCCC xem đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Đại tá Lê Tấn Bửu “cam kết” nếu nhận được thông tin báo cháy sớm, lực lượng PCCC sẽ nhanh chóng lên đường và có mặt tại hiện trường ngay, nhằm kéo giảm tối đa được thiệt hại.

Tin & ảnh: Tân Châu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO