Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TP.HCM đã được xây dựng công phu, chi tiết, có tính thực tiễn và được xác định trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng phê duyệt.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng khẳng định: TP.HCM sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ bằng việc thực hiện nghiêm túc 09 nhiệm vụ trọng tâm đã được quy định trong Nghị quyết; đồng thời, TP.HCM cũng đề ra 05 nhóm giải pháp tổng thể để triển khai Nghị quyết quan trọng này.
Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển
Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng; chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình dãn dân ra các khu đô thị mới.
Trong đó, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo đó sẽ phát triển nhiều diện tích thương mại dịch vụ và tài chính quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng nâng cao tỷ trọng cơ cấu dịch vụ cao cấp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng: phía Đông: phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, diện tích khoảng 280ha; phía Tây: khu vực giáp QL1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200ha), trục Nguyễn Văn Linh; phía Nam: khu A đô thị mới Nam, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110ha); Bắc thuộc khu Tây - Bắc (500ha), hướng QL 22.
Thành phố cũng uu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; thúc đẩy đầu tư phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giảm áp lực về đất đai (đất xây dựng khu xử lý rác, phát triển giáo dục, y tế, kết nối hạ tầng,...), nhất là các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước.
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
TP.HCM sẽ khuyến khích đầu tư các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội tại các khu đô thị vệ tinh bằng cách hỗ trợ tín dụng, giảm giá thuê đất, giảm thuế,...tiến đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt nhu cầu người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách dãn dân ra các khu đô thị vệ tinh, giảm ùn tắc giao thông. Huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tuyến xe buýt, đường sắt đô thị, LRT (tàu điện mặt đất), đặc biệt là các tuyến kết nối với các đô thị vệ tinh; giảm lượng giao thông qua trung tâm Thành phố bằng các tuyến đường vành đai, đường ngầm, đường trên cao nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Thành phố sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện tốt chương trình di dời, tháo dỡ, cải tạo và xây dựng mới thay thế 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 bằng cách hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất và bồi thường; tăng diện tích sàn xây dựng để thu hút nhà đầu tư khi tham gia chương trình, góp phần thực hiện tốt chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp), từng bước xây dựng Thành phố thành trung tâm “khởi nghiệp” của cả nước; góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển 500.000 doanh nghiệp ở Thành phố vào năm 2020.
Thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo quyền của người dân; phối hợp với các ngành, các cấp giải quyết để đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất để phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các quy hoạch và quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch.
Nhóm giải pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo đó, tại những nơi địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5m), TP.HCM sẽ xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lũ đô thị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước; phát triển nhiều mảng xanh lớn tại những vùng đất thấp và tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh cho đô thị.
Thành phố sẽ khẩn trương triển khai xây dựng các hồ điều tiết chống ngập Gò Dưa (Thủ Đức): 17,2ha, hồ Bàu Cát (Tân Bình): 0,4ha, hồ Khánh Hội (Quận 4): 4,8ha; khuyến khích các quận, huyện xây dựng hồ điều tiết, hồ cảnh quan, hồ đa chức năng trong các khu dân cư, nhất là các khu dân cư mới mới ở vùng thấp dưới đỉnh triều cường 1,5m. Tiếp tục thực hiện theo quy hoạch thủy lợi chống ngập khu vực Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ triển khai nạo vét, khơi dòng nhằm nâng cao năng lực thoát nước của các kênh, rạch; tiếp tục bố trí các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong các khu dân cư vào khu và cụm công nghiệp tập trung; chuyển đổi các khu đất đã di dời các cơ sở công nghiệp, chuyển thành đất nhà ở hoặc đất công trình công cộng để khai thác có hiệu quả và bền vững về phương diện môi trường.
Nhóm giải pháp về bảo vệ quỹ đất nông nghiệp
Theo Nghị quyết 80/NQ-CP, TP.HCM sẽ giảm diện tích đất trồng lúa từ 113.634 ha xuống còn 88.005 ha. Để khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, TP.HCM sẽ bảo vệ nghiêm ngặt đối với quỹ đất rừng, đất nông nghiệp và đặc biệt là đất chuyên trồng lúa theo quy hoạch. Thành phố sẽ xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển cây con chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa; quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sử dụng hiệu quả cao đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô sản xuất, công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ bảo vệ hệ thống thủy lợi đang có ở các huyện; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình và hệ thống thủy lợi tại các khu vực đất nông nghiệp tập trung và ổn định lâu dài.
Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện
Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành có kế hoạch sử dụng đất phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ từ thành phố đến quận, huyện; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển các khu cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt.
TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý đất đai; minh bạch thông tin cho các đối tượng sử dụng đất, góp phần cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Thành phố sẽ tiếp tục chọn những nhà đầu tư có năng lực để đầu tư những dự án lớn, các khu đô thị mới; thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư dự án để xử lý các dự án chậm triển khai; công khai các dự án đầu tư để mọi người dân cùng kiểm tra giám sát.
Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; hoàn thiện hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất, hiện đại; quản lý hiệu quả những biến động về nhà đất và thực hiện nhanh gọn các thủ tục hành chính về nhà đất cho người dân.