Tổng thể các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm nước ngầm ĐBSCL

27/11/2013 00:00

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, gồm 5 đến 7 tầng chứa nước, chiều sâu phân bố từ vài chục...

   
  Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, gồm 5 đến 7 tầng chứa nước, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600m. Trong đó, các khu vực tiềm năng nguồn nước (nhạt) lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Tuy nhiên, nước dưới đất ở khu vực này đang có nguy cơ suy giảm và nhiễm mặn cao.
   
Mức suy giảm nguồn nước lên tới 0,93 m/năm
   
  Vào mùa khô, nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn nên nguồn nước dưới đất có vai trò đặc biệt trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn, công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. 80% dân số nông thôn sử dụng nguồn nước dưới đất trong đó nhiều đô thị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước dưới đất, như các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh....
   
  Ước tính trên địa bàn 13 tỉnh vùng ĐBSCL có trên 550.000 giếng khoan khai thác nước dưới đất với quy mô tương đối lớn, với tổng lượng nước khai thác toàn vùng khoảng 2 triệu m3/ngày (trong đó lớn nhất tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ). Các tầng chứa nước nằm sâu và trung bình là đối tượng khai thác chủ yếu trong vùng.
   
Mực nước của hầu hết các tầng chứa nước ở vùng ĐBSCL đều có xu hướng suy giảm
    
   
  Kết quả tài liệu quan trắc nước dưới đất (thuộc mạng quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất Đồng bằng Nam Bộ) từ năm 1995 đến nay cho thấy, mực nước của hầu hết các tầng chứa nước ở vùng ĐBSCL đều có xu hướng suy giảm với các mức độ khác nhau, lớn nhất là 0,93m/năm, trung bình khoảng 0,2 đến 0,4m/năm và có nhiều vùng suy giảm không đáng kể hoặc không suy giảm. Trong đó, các tầng chứa nước có chiều sâu trung bình, lớn và là đối tượng khai thác chủ yếu có mức độ suy giảm lớn hơn các tầng chứa nước nằm nông.
   
  Cụ thể, các tầng chứa nước nằm sâu, một số khu vực mực nước có xu hướng suy giảm liên tục, với tốc độ giảm từ gần 0,3 đến 0,9 m/năm. Trong đó, khu vực có tốc độ giảm mực nước lớn là: Long An, Cà Mau, Trà Vinh, suy giảm từ 0,5 đến 0,9m/năm (khu vực thành phố Cà Mau có tốc độ suy giảm lớn nhất từ 0,6 đến 0,9 m/năm). Các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long có tốc độ suy giảm mực nước trung bình khoảng từ 0,3 đến 0,5m/năm. Các khu vực còn lại có tốc độ giảm nhỏ hơn, trung bình khoảng từ 0,2 đến 0,3m/năm hoặc không suy giảm.
   
  Đối với các tầng chứa nước nằm ở độ sâu trung bình, tại một số khu vực mực nước cũng đang có xu hướng giảm, với tốc độ giảm từ 0,3 đến 0,93m/năm, trong đó tại khu vực TP. Cà Mau có tốc độ giảm mực nước lớn nhất (0,93m/năm). Các khu vực Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng mực nước suy giảm trung bình từ 0,3 đến 0,5m/năm. Riêng tại khu vực Đồng Tháp mực nước các tầng này khá ổn định.
   
  Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, nguyên nhân chính gây suy giảm mực nước dưới đất ở ĐBSCL là do cấu tạo địa chất. Mặt khác, còn do mức độ khai thác nước ngày càng tăng cả về số lượng công trình, quy mô khai thác, nhất là trong khoảng 15 năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng suy giảm mực nước ngầm trong vùng, nhất là các khu vực tập trung công trình khai thác lớn.
   
Điều tra cơ bản – lời giải cho bài toán suy giảm nước ngầm
   
  Trước thực tế trên, Bộ TN&MT đã ban hành các quy định về bảo vệ nước dưới đất, xử lý, trám lấp các giếng khoan không sử dụng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước dưới đất, trong đó có địa bàn vùng ĐBSCL. Theo đó, các khu vực mực nước ngầm bị suy giảm quá mức phải được khoanh vùng để hạn chế khai thác và áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình khai thác mới hoặc tăng công suất khai thác.
  Bộ TN&MT đã chỉ đạo tiến hành quan trắc liên tục, theo dõi sát tình hình diễn biến mực nước ngầm trong vùng, kịp thời thông báo cho các địa phương để nắm bắt và xử lý đối với những khu vực bị hạ thấp liên tục, khả năng phục hồi thấp.
   
  Cục Quản lý Tài nguyên nước thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể tình hình nguồn nước, khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xác định trữ lượng nước ngầm có thể khai thác, khoanh vùng các khu vực cần hạn chế khai thác và đề xuất các biện pháp khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước dưới đất ở trong vùng. Ngoài ra, Bộ cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung điều tra, thống kê công trình khai thác nước dưới đất, lập quy hoạch, khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
   
  Hiện nay, Bộ TN&MT đang tập trung triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2012. Theo đó, sẽ  đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để nắm chắc nguồn nước; quan trắc, theo dõi diễn biến mực mức ngầm; quy hoạch tài nguyên nước và thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác nước thông qua các cơ chế cấp phép, đăng ký, hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức.
   
Thái Tiến (Cục Quản lý tài nguyên nước)
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thể các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm nước ngầm ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO