Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường.
Bám sát Nghị quyết 01 năm 2019 của Chính phủ để hành động và bứt phá
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đây là hội nghị quan trọng nhằm triển khai, đóng góp, xây dựng các nhiệm vụ năm 2019 mà Chính phủ giao trong đó lĩnh vực môi trường đóng góp vai trò tham mưu giúp việc cho Bộ TN&MT triển khai các công việc này trên thực tế.
Đi thẳng vào những nhiệm vụ trong năm 2019 và những năm tiếp theo, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Môi trường bắt tay ngay vào công việc từ những ngày đầu của năm mới 2019.
Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường cần cùng nhau nhìn nhận lại suốt quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước để có thể có thể thấy rõ qua quá trình đó, công tác bảo vệ môi trường có những thuận lợi và khó khăn gì để xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới.
Đề cập đến những quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương với công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Trong 9 lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường thì có lẽ lĩnh vực môi trường được quan tâm nhiều nhất. Nói như vậy để có thể thấy vị thế, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực này như thế nào và ngành môi trường làm gì để xứng đáng với sự quan tâm đó”.
Bộ trưởng đề nghị từng cá nhân phải hết sức thấu hiểu, hết sức thẳng thắn để thấy được trọng trách, trách nhiệm, để hiểu công việc của mình trước nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao cho.
Bộ trưởng đề nghị hội nghị thẳng thắn nhìn vào, mổ xẻ xem đâu là rào cản, cái gì là tồn tại yếu kém để đổi mới và mới thay đổi để có thể đáp ứng phương châm 12 chữ mà Chính phủ đề ra trong năm 2019 đó là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Bộ trưởng cho rằng với ngành môi trường, bứt phá chính là vượt qua chính mình, là tăng tốc, là quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường.
Đối với những công việc cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu đến phấn đấu đến cuối năm 2019 và cùng lắm đến hết năm 2020 thì 100% các khu, cụm công nghiệp phải được kiểm soát về môi trường và phải chấp hành Pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu cần phải tham mưu Chính phủ cương quyết đóng cửa các khu, cụm công nghiệp không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, quản lý nước thải trong thời gian tới. Bộ trưởng yêu cầu phải làm rõ Bộ TN&MT làm gì, đóng vai trò gì trong việc xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải “chứ đừng đổ lỗi việc chưa quản lý được vấn đề đó cho bộ ngành khác”. Vì theo Bộ trưởng, đơn vị có thẩm quyền cao nhất tham mưu cho Thủ tướng chính phủ về công tác bảo vệ môi trường là Bộ tài nguyên và Môi trường mà trực tiếp là Tổng cục Môi trường. Vì vậy cần có tư duy về việc này và kiên quyết không đùn đẩy hay ban biện cho năng lực quản lý của mình.
Bộ trưởng cũng yêu cầu kiểm tra công tác bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hệ thống giám sát để xác định độ che phủ của rừng tự nhiên và hệ thống đa dạng sinh thái theo chức năng nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Về rác thải đại dương là vấn đề mà cả Thế giới đang nói đến, Bộ trưởng cho biết rác thải đại dương chính là rác thải đất liền thải ra. Vì vậy cần xem lại công nghệ, cơ chế chính sách để xử lý chất thải rắn, nước thải và khí thải… ngay từ trong bờ, trong đất liền. “Đã đến lúc chúng ta quản lý về môi trường là phải đảm bảo tất cả chất thải, nước thải, khí thải… thải ra môi trường phải có người chịu trách nhiệm và có người xử lý” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đề cập đến thay đổi tư duy trong việc phân loại xử lý rác tại nguồn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đã đến lúc chúng ta không được nghĩ người dân không phân loại được rác thải tại nguồn. Mà quan trọng là cần phải trả lời Nhà nước đã làm gì? Doanh nghiệp đã làm gì mà người dân không phân loại rác thải tại nguồn được? Phải trả lời câu hỏi phân loại để làm gì? Để đỗ ra một chỗ hay sao?... Hay nói cách khác là phải tiếp cận từ quản trị, từ cơ chế xem nhà nước và người dân tham gia như thế nào? Bộ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế chính sách để hạn chế và dần chấm dứt việc xử dụng, xả thải túi nilon ra môi trường.
Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, Bộ trưởng cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hẳn kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí vậy cần phải bắt tay vào làm ngay. Phải trả lời cho được hành động đối với kiểm soát ô nhiễm không khí thì nên như thế nào? Từ hành động rất nhỏ đõ là kiểm soát ô nhiễm của các phương tiện giao thông, chúng ta xem xét đến bụi, rác ở đâu ra? Từ hoạt động của phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng hay hoạt động sản xuất… gây nên, tất cả phải được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự hội nghị nhìn xa một chút trong Thế giới mở, tự do hóa với Hiệp định CPTPP và một số hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam tham gia. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho trằng nếu chúng ta cứ giữ tiêu chuẩn môi trường như hiện nay thì chúng ta sẽ trở thành nơi hốt rác và nhận rác từ thế giới. Vì thế, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải nhanh chóng nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường lên ngang tầm các nước tiên tiến Thế giới. Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, tương đồng để tháng 6/2019 phải ban hành được quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường mới.
Trước khối công việc nặng nề đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường bám sát Nghị quyết 01 năm 2019 của Chính phủ, bám sát theo chương trình hành động của Bộ TN&MT để thực hiện… Công tác tổ chức thực hiện phải hết sức cụ thể đối với từng lĩnh vực, phải có người làm. Nếu trong Bộ không đủ thì chúng ta mời thêm chuyên gia giỏi về lĩnh vực này để cùng làm. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường đổi mới các thức chỉ đạo điều hành, cách thức hợp tác và hành động để hoàn thành các nhiệm vụ được giao…
Tăng cường thanh tra, phổ biến pháp luật BVMT đến cơ sở
Trình bày báo cáo Tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết: Năm 2018, Tổng cục Môi trường đã chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương nhằm giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt đã thực hiện tốt công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở, dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường, tạo bước chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Trong năm 2018, TCMT đã tập trung hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Tổng cục đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở cơ sở, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ. Tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai dưới nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, văn bản hành chính như: 02 Hội thảo khu vực miền Bắc và miền Nam hướng dẫn Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT; số 09/2018/TT-BTNMT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 06 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT về quan trắc môi trường...
Tổng cục đã tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, tiến độ hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tính đến 06/12/2018 là 233/366 cơ sở, đạt tỷ lệ 63,66% (hoàn thành vượt mức 3,39% so với mục tiêu đặt ra. Phối hợp với Ủy ban nhân dân 4 tỉnh miền Trung triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 04 tỉnh miền Trung”. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổng hợp, xây dựng và đề xuất 30 bãi rác; 70 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV đặc biệt nghiêm trọng; đầu tư xây dựng 03 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên. Hỗ trợ cho 5 địa phương để triển khai 24 dự án để xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV với tổng kinh phí là 88,351 tỷ đồng; đến nay đã có 05/24 dự án đã hoàn thành xử lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường với hơn 1.070 kiến nghị về hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về BVMT được tiếp nhận và giải quyết; thông qua đó đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác khắc phục, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xử lý 15 vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học đã trình Bộ trưởng xem xét, ký Công văn của Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng. Tổ chức thanh tra tại 255 cơ sở thuộc đối tượng thanh tra theo Kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đến nay, đã trả kết quả 236 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 60 cơ sở. Tổng cục đã hoàn thành kiểm tra an toàn về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu kinh tế Dung Quất.
Kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường
Để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, năm 2018, Tổng cục đã đẩy mạnh kiểm soát các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhờ đó, đến nay đã có 228/283 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 80,6%), 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn khảo sát tình hình thực hiện Đề án tại các tỉnh trên lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; kế hoạch khảo sát tại sông Vu Gia - Thu Bồn phục vụ công tác xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước để kịp thời theo dõi, tổng hợp các thông tin có liên quan. Tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM); lồng ghép nội dung xử lý triệt để một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay Tổng cục Môi trường duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình khắc phục các lỗi vi phạm và việc cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vận hành thử nghiệm, trong năm 2018 đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra trực tiếp tại FHS, tổ chức nhiều buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng như đã tham mưu tổ chức Hội đồng giám sát liên ngành về khắc phục vi phạm và xem xét cho FHS vận hành thử nghiệm Lò cao số 2; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm Lò cao số 2 của FHS; mới đây đã tiếp tục kiểm tra việc vận hành dây chuyền dập cốc khô.
Đặc biệt, thông qua đường dây nóng nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường đã được xử lý. Tính đến ngày 27/12/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được tổng số 1143 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, trong đó có 542 vụ việc hoàn thành việc xử lý và phản hồi tới người dân; một số vụ việc đang được các địa phương xác minh, xử lý.
Có thể thấy, với những nỗ lực của TCMT, các khu vực, địa phương làm tốt về công tác bảo vệ môi trường dần mở rộng. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được kiềm chế, ô nhiễm môi trường đã được hạn chế, ngăn chặn.
Tuy nhiên, góp ý tại Hội nghị các đại biểu cho rằng, công tác quản lý môi trường vẫn còn những hạn chế do việc bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản chưa thật hợp lý, nguồn lực còn bị phân tán, chưa bảo đảm tính ưu tiên, tập trung, thống nhất. Thiếu kinh phí để triển khai Đề án được phân công dẫn đến việc khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu để hoàn thiện Đề án làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng theo Chương trình công tác đã đề ra, cụ thể như “Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn” mặc dù được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ và đã đề xuất nhiều lần nhưng không được Bộ Tài chính bố trí kinh phí.
Năm 2018, Tổng cục Môi trường thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ mới, do đó gặp một số khó khăn khi xử lý công việc trong giai đoạn chuyển tiếp. Một số các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai tới các đơn vị trực thuộc Bộ còn bị quá gấp về thời gian, thời gian luân chuyển văn bản còn kéo dài dẫn đến việc chậm tiến độ xử lý một số văn bản,một số văn bản đến Tổng cục đã bị quá thời hạn.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Năm 2019 TCMT sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ, điều động luân chuyển cán bộ bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của một số đơn vị trực thuộc Tổng cục…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, bức tranh toàn cảnh về môi trường trong năm 2018 của Việt Nam đã xuất hiện nhiều gam màu sáng. Công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 giảm về số lượng nhưng chất lượng tăng, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến căn bản, đã dần chuyển từ đối phó sang ý thức tự giác. Đồng thời Thứ trưởng đánh giá cao việc TCMT tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng.
Năm 2019, TCMT cần tiếp tục phát huy, thực hiện các đợt thanh tra theo hình thức cuốn chiếu, xoay vòng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để không chồng chéo. Đồng thời, thành lập các tổ soạn thảo và có kế hoạch cụ thể triển khai các sửa đổi Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014, khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiến hành xây dựng ngay các văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo luật có thể được triển khai ngay sau khi có hiệu lực thi hành; tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để xây dựng, trình ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường một cách đồng bộ, có tính hệ thống và tương đồng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một số nước làm tốt môi trường trong khu vực cũng như quốc tế.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường - lấy công tác phòng ngừa ô nhiễm là công tác quản lý chính, trọng tâm. Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tập trung giải quyết theo đúng lộ trình các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…