Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, bám sát phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" của Chính phủ và của Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao góp phần đẩy mạnh việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Theo đó, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo tiếp tục được tăng cường. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT biển tiếp tục được hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, từng bước phát huy tốt các nguồn lực. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt; những vướng mắc từ thực tiễn ở địa phương trong quá trình thực thi pháp luật từng bước được tháo gỡ; nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống người dân và môi trường hoạt động của doanh nghiệp đã được tập trung giải quyết kịp thời;...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục đã tổ chức, bám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW để hoàn thiện các nhiệm vụ tham mưu trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 (Quyết định 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ); nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong công tác quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện công tác giải quyết hồ sơ TTHC giao khu vực biển thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát biển và các địa phương thực hiện nhiệm vụ thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường biển; đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế.
Công tác giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển đã có chuyển biến rõ nét, dần dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành; đẩy mạnh thực hiện thông qua hình thức liên thông thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Phạm Thu Hằng cũng chỉ ra vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo như: công tác dự báo, phân tích dự báo còn hạn chế, thiếu tầm nhìn chiến lược; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về TN&MT biển, hải đảo còn chậm; trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu. Việc thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương còn hạn chế; Công tác thanh tra, kiểm tra chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật…
Theo Phó Tổng Cục trưởng Phạm Thu Hằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra theo Chương trình công tác của Bộ, của Tổng cục năm 2022, trong những tháng cuối năm, Tổng cục sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo; phát huy những kết quả, thành tựu đạt được; tích cực cùng các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tiễn; nhằm giải quyết tốt, hài hòa vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn tới, từ thực tiễn công tác quản lý, đã đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở; ...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đơn vị tại Hội nghị. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Tổng cục có những khó khăn rất lớn về lực lượng lãnh đạo cũng như trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức. Bên cạnh những mặt còn tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng ghi nhận sự nỗ lực của lãnh đạo Tổng cục để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ và Chính phủ giao.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, mặc dù, thời gian qua, Tổng cục đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục còn rất nặng nề. Để hoàn thành chương trình nhiệm vụ công tác năm 2022, Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung nhiệm vụ chính, bao gồm: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Tổng cục. Trong đó, đặc biệt tập trung hoàn thiện Hồ sơ 2 nhiệm vụ lập quy hoạch trình Bộ để trình Chính phủ.
Cùng với đó, tổ chức tốt các đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra, làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị của địa phương. Tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thúc đẩy nhanh tiến độ công tác cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển, cấp phép cho việc nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, công tác khảo sát, cấp phép đo đạc, khảo sát điện gió.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Tổng cục cần phải sát sao, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, cố gắng, nỗ lực hơn nữa nâng cao trách nhiệm cá nhân, tập thể để vượt qua các khó khăn; tăng cường kỷ luật, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình thay đổi tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm, đồng lòng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 đảm bảo chất lượng và tiến độ đặt ra.