Tọa đàm “câu chuyện nét đẹp tiếng tơ”

Huy An| 30/11/2019 19:12

(TN&MT) - Ngày 30/11 tại Trung tâm Giao Lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng các nghệ nhân dân gian Việt Nam đã chia sẻ nhiều ý nghĩa trong tọa đàm “câu chuyện nét đẹp tiếng tơ” nói về vẻ đẹp độc đáo, thuần khiết đối với sản phẩm lụa tơ sen, được lấy từ cuống lá sen kéo ra dệt thành những sợi vải.

Nét đẹp của nghề là lụa từ tơ sen

Trao đổi tại toạ đàm, GS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên – Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái cho biết: Trên thế giới, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và cọng hoa sen. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 và khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay.

Người dân Myanmar quan niệm rằng sen là loài cây biểu tượng cho sự thuần khiết trong tâm hồn và khi mặc lụa tơ sen thì con người cũng sẽ bình yên hơn. Đến Myanmar du khách dễ dàng nhận ra ngôi làng KyaingKan bởi tiếng khung cửi dệt rộn ràng cả ngày của hàng trăm người dân miệt mài cho ra thứ lụa độc nhất vô nhị này.

Nhận thấy tiềm năng của nghề làm lụa từ tơ sen năm 2016, Viện Kinh tế sinh thái đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen”. tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, cố gắng các sản phẩm lụa độc đáo từ tơ sen đầu tiên đã được thực hiện thành công ngay chính trên mảnh đất từng một thời nức tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm.

GS.TSKH. Nguyễn Duy Chuyên – Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái chia sẻ về quá trình hình thành nghề làm tơ sợi tại Việt Nam

Ông Vũ Cường – Nguyên tham tán thương Mại Việt Nam tại Myanmar chia sẻ: Đề tài nghiên cứu mô hình sản xuất sợi tơ từ sen được các cơ quan chức năng trong nước, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar ủng hộ, tạo điều kiện. Trong đó, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã có nhiều dịp sang nước bạn Myanmar học hỏi những gì được gọi là tinh túy nhất, đẹp nhất của nghề làm lụa từ sen.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cho biết: Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng tôi quyết đi học nghề và trở thành người đầu tiên ở Việt Nam dệt lụa từ tơ sen. Những ngày đầu mới làm lụa sen gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc kéo được sợi tơ từ cuống sen đã mất khá nhiều thời gian, công sức. Cuống sen nào cũng làm được tơ nhưng cuống non thì tơ sẽ dẻo hơn.

Bởi vậy, sau khi cắt về là phải tỉ mỉ rửa sạch bùn đất và gai từng cuống sen. Quá trình rút tơ đòi hỏi sự khéo léo, nếu cắt sâu quá sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ; còn cắt nông quá sẽ không kéo được tơ. Để lấy được tơ sen, người làm nghề phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi dùng tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ tròn lại.

Vì sự cầu kỳ như vậy nên mỗi ngày 1 người thợ chỉ kéo được 200 – 250 cuống sen. Lấy được tơ sen đã khó, dệt được một tấm lụa sen cũng khó không kém. Tơ sen mỏng manh nên người thợ phải chỉnh khung dệt cho phù hợp. Tính ra, một chiếc khăn lụa sen rộng 25cm, dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen cùng rất nhiều ngày công.

PGS TS Đỗ Thị Hảo – Chủ tịch hội văn nghệ dân gian Hà Nội nhấn mạnh về những giá trị của các sản phẩm từ tơ sợi

PGS TS Đỗ Thị Hảo – Chủ tịch hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: Những sợi tơ sen mỏng manh dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thời bấy giờ đặc cách chỉ dành cho những người quyền quý, cao sang. Ngoài tơ tằm ra, ít ai để ý tới tơ sen - thứ vải tinh túy, nhẹ nhàng, mang nặng hồn quê hương dân tộc.

Không chỉ mềm, mịn, mát, nhẹ như lụa tơ tằm, lụa sen còn có ưu điểm là xốp, thấm nước. Lụa thường có mầu trắng ngà, nâu nhạt nguyên thủy vì các nghệ nhân rất hạn chế nhuộm. Thân thiện với môi trường, có mùi hương dịu nhẹ đặc trưng của sen, được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công tốn thời gian, công sức... nên lụa sen có giá rất đắt.

Một chiếc khăn chiều dài 1,7 m, ngang 20 cm giá bán từ 5 triệu đồng trở lên. Hiện trên thế giới, mới chỉ có Myanmar, Campuchia và Việt Nam sản xuất dòng lụa cao cấp này.

Ban tổ chức hy vọng thời gian tới nhận được sự quan tâm hơn nữa của các nhà nghiên cứu, khoa học góp phần bảo tồn giá trị của nghề dệt lụa nói chung, nghề làm tơ sen nói riêng.

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban, Ban quản lý phố cổ Hà Nội: Tại Việt Nam có nhiều vùng trồng sen. Nếu công việc này phát triển sẽ tạo việc làm cho rất nhiều lao động, tận dụng được nguồn cuống sen sau khi đã thu hoạch hoa. Từ lụa sen, có thể sản xuất các mặt hàng lưu niệm, làm quà tặng các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Đây cũng là món quà giàu ý nghĩa vì nó thuần Việt.

Do đó, thông qua buổi tọa đàm “Câu chuyện nét đẹp tiếng tơ” Ban tổ chức hy vọng thời gian tới nhận được sự quan tâm hơn nữa của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nghệ nhân và những người yêu di sản … Góp phần tích cực trong công tác bảo tồn giá trị của nghề dệt lụa nói chung, nghề làm tơ sen nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “câu chuyện nét đẹp tiếng tơ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO