(TN&MT) - Ông Lê Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) vừa ký ban hành kế hoạch số 10/KH-UBND về việc tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô lần thứ nhất năm 2019. Dự kiến lễ hội sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 29-4-2019 đến ngày 1-5-2019, tại xã Ia Khai.
Theo UBND huyện Ia Grai, việc tổ chức hội đua thuyền trên sông Pô Cô nhằm giới thiệu đến quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung biết về chiến công của anh hùng A Sanh và của Đảng bộ và nhân dân huyện Ia Grai. Qua đó, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc, quê hương, đất nước; ca ngợi công ơn của các anh hùng dân tộc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức các hoạt động văn hóa như trình diễn nghệ thuật cồng chiêng (gồm có 2 nội dung cồng chiêng đội người lớn và cồng chiêng đội thiếu nhi) do các đoàn nghệ nhân từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mang về; biểu diễn đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc để khách du lịch có dịp tham quan, thưởng lãm, tìm hiểu và trải nghiệm về các loại nghệ thuật trên nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt của các dân tộc trên địa bàn; phục dựng nguyên bản lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Jrai nhằm tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng và tập tục cúng Yàng, cúng các vị thần linh như cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa; chương trình giao lưu nghệ thuật biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, kể khan, hát dân ca, ngâm thơ, hò, vè, dân ca, dân vũ...
Nhân đây, Ban tổ chức cũng muốn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như đồ lưu niệm, các loại nông sản, nhạc cụ dân tộc, ẩm thực, đồ chế tác là đặc sản của huyện biên giới này...
Riêng về phần đua thuyền thì có 2 nội dung, thuyền 2 vận động viên và thuyền 4 vận động viên. Thành phần tham gia là các vận động viên của 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, các vận động viên trong toàn tỉnh Gia Lai và của các tỉnh Đak Lak, Kon Tum.
Theo ban tổ chức, lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các tiềm năng, thế mạnh tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, các danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử của huyện như thác Mơ, Di tích lịch sử cấp tỉnh chiến thắng Chư Nghé, bến đò A Sanh, các công trình thuỷ điện Sê San 4, 3A, cột mốc Biên giới Việt Nam-Campuchia và các nguồn lợi thuỷ sản trên sông Pô Cô đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó phát triển ngành du lịch của huyện.
Lễ hội cũng nhằm hưởng ứng cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, khơi dậy và phát huy phong trào thể dục - thể thao của nhân dân huyện Ia Grai đồng thời tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới du khách và nhân dân trên địa bàn.